Ngày xưa, cả làng chỉ có một vài người hoặc không có ai đậu đại học, ngày nay nhà nhà đậu đại học. Chúng ta nên vui vì trình độ dân trí được nâng cao, học sinh giờ giỏi hơn ngày xưa.
Thoáng qua là vậy nhưng nếu soi kỹ thì buồn, lo nhiều hơn vui mọi người ạ!
Thực tế nó rất lạ, và đáng báo động vì người đậu đại học nhiều hơn rớt, chỉ tiêu đại học chiếm 96%, cao đẳng rất ít_chỉ 3%, trung cấp thì còn ít hơn nữa_1%. Đây được xem là đi ngược với các quốc gia phát triển, dễ dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Nếu như các em học giỏi nên đậu nhiều thì cũng không đáng lo, nhưng ở đây nhiều trường lấy điểm chuẩn là 14 điểm (nghĩa là điểm trung bình mỗi môn dưới 5), mức điểm này là vô cùng thấp, trong khi điểm xét đậu tốt nghiệp trung học phổ thông tính trung bình mỗi môn là 5 điểm. Ôi rồi! Nếu ngày xưa điểm chuẩn đại học lấy 14 điểm thì không có gì phải nói vì đề khi ấy khó hơn đề thi tốt nghiệp, nhưng còn giờ đã chung rồi mà! Sự thật lúc này thí sinh sợ rớt tốt nghiệp chứ không sợ rớt đại học, bởi đậu tốt nghiệp thì sẽ có trường đại học để học. Vậy là đại học hay học đại!
Bộ Giáo dục cần sớm quay lại thời kỳ điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường đại học, tránh trường hợp tuyển đại thí sinh để có người học mà bất chấp chất lượng.
Phải chăng vì điều đó mà Giáo dục bội thu nhưng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đang đau đầu với hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp.
Rất mong Quốc hội sớm có đạo luật để chấn chỉnh tình trạng này, để đại học là đại học chứ không phải học đại! Để đất nước ta không rơi vào tình trạng thừa thầy tệ, thiếu thợ tốt.