Trên thực tế thực hiện thủ tục, công dân từng cư trú một thời gian ở nước ngoài nhưng không xóa thường trú ở Việt Nam vẫn phải thực hiện xác nhận tình trạng hôn nhân của mình trong khoảng thời gian ở nước ngoài khi đăng ký kết hôn ở Việt Nam.
Như vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Cán bộ thực hiện thủ tục có được yêu cầu công dân làm thủ tục xác nhận độc thân ở nước ngoài để kết hôn không? Bài viết sau sẽ giải quyết vấn đề trên.
Quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam:
Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn:
Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:
- Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp.
Như vậy, công dân khi đăng ký kết hôn tại Việt Nam phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân nơi mình thường trú cấp để thực hiện đăng ký kết hôn.
Trường hợp từng đi lao động ở nước ngoài có cần xác nhận độc thân ở nước ngoài không?
Quy định về thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
1. Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
5. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
6. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này, thì phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó.
Như vậy, trường hợp công dân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau (bao gồm cả những nơi tại Việt Nam và tại nước ngoài), công dân có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian công dân cư trú ở địa phương khác để cán bộ có căn cứ xác nhận công dân đang độc thân.
Trường hợp công dân không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của công dân.
Tuy nhiên, do nơi công dân cư trú ở nước ngoài không có cơ quan "Ủy ban nhân dân cấp xã" của Việt Nam, mà theo câu chữ của quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân thường trú chỉ gửi xác minh đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của công dân.
Trường hợp nơi công dân cư trú ở nước ngoài không có cơ quan "Ủy ban nhân dân cấp xã" của Việt Nam thì hiện chưa có quy định hướng dẫn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân thường trú xác minh như thế nào.
Vì thế, trường hợp này, để công dân làm được thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân tại Việt Nam thì công dân cần tự có phương thức chứng minh mình độc thân trong thời gian cư trú ở nước ngoài.
Mà hiện nay, trên thực tế, công dân từng cư trú ở nước ngoài có thể xác nhận độc thân thông qua cơ quan ngoại giao việt nam ở nước ngoài.
Cơ quan ngoại giao việt nam ở nước ngoài có thẩm quyền xác nhận độc thân cho công dân Việt Nam ở nước ngoài để kết hôn tại Việt Nam không?
Căn cứ khoản 6 Điều 8 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hộ tịch, con nuôi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 thì Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).
Như vậy, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn có thể thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam trong khoảng thời gian công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.