Khi nói về sự chịu đựng của con người, ông bà xưa có câu "Tức nước vỡ bờ". Vậy câu thành ngữ này mang ý nghĩa gì?
1. Tức nước vỡ bờ nghĩa là gì?
"Tức nước vỡ bờ" là một thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt, được sử dụng để mô tả hiện tượng khi sự chịu đựng của con người bị đẩy đến giới hạn cực đoan, buộc họ phải vùng lên phản kháng quyết liệt.
- Về mặt nghĩa đen:
+ Tức nước: nghĩa là nước dâng cao đến mức tràn bờ.
+ Vỡ bờ: nghĩa là bờ sông, đê bị nước dâng cao phá vỡ.
- Về mặt nghĩa bóng:
+ Tức nước: là biểu tượng cho sự chịu đựng, nhẫn nhục đến mức tột cùng.
+ Vỡ bờ: là biểu tượng cho hành động phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt.
Nói theo nghĩa bóng, "Tức nước vỡ bờ" nghĩa là mỗi con người đều có mức giới hạn chịu đựng, vì vậy việc gì trong mức giới hạn thì người ta sẽ nhịn cho qua. Nhưng nếu chuyện xảy ra quá mức giới hạn cho phép của sức chịu đựng thì người ta sẽ phản kháng lại vô cùng mãnh liệt như chính sức mạnh dữ dội của nước làm cho vỡ bờ.
Câu thành ngữ "tức nước vỡ bờ" mang ý nghĩa sâu sắc như:
- Thể hiện quy luật tất yếu của xã hội: Khi bị áp bức, bóc lột quá mức, con người sẽ không thể mãi mãi cam chịu mà sẽ vùng lên đấu tranh để bảo vệ bản thân và quyền lợi của mình.
- Khẳng định sức mạnh tiềm tàng của con người: Dù hiền lành, chất phác đến đâu, con người cũng có sức mạnh nội tại để phản kháng khi bị dồn vào đường cùng.
- Là lời cảnh tỉnh cho những kẻ áp bức: Không nên ức hiếp người khác quá đáng, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
2. Phòng vệ chính đáng có được xem là tội phạm không?
Theo Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
- Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, có thể thấy hành vi phòng vệ chính đáng không được xem là tội phạm. Tuy nhiên, khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 thì phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể được xem là tình tiết để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
3. Một số tội phạm liên quan đến hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015?
(1) Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
(2) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Tóm lại, câu thành ngữ "tức nước vỡ bờ" từ lâu đã trở thành một bài học quý giá về cuộc sống, được ông cha ta đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ phản ánh một quy luật tất yếu trong tự nhiên mà còn ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc về sức mạnh của con người và bài học về cách sống.