Ý kiến trao đổi, tư vấn pháp luật về thủ tục lập biên bản xử lý vi phạm hành chính: “Thừa phát lại với vai trò Người làm chứng khi lập biên bản vi phạm hành chính ”
Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ qui định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại:
+ Khoản 1, Điều 2: “Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự,… theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”
+ Khoản 3, Điều 2 qui định: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
+ Khoản 1, Điều 5 qui định về sự phối hợp công việc: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan…”
Khoản 2, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”. Tuy nhiên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Luật xử lý VPHC; Luật sửa đổi, bổ sung; Bộ luật Dân sự 2015 các Nghị định hướng dẫn thi hành) không nêu rõ nội dung chứng kiến (chứng kiện hành vi vi phạm hay chứng kiến lập biên bản VPHC?), cũng không quy định người chứng kiến như thế nào (có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự hay không?)
Từ các quy định về Thừa phát lại và qui định về xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, chúng ta có thể mời Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự trực tiếp chứng kiến của mình, ký xác nhận biên bản vi phạm hành chính với vai trò người chứng kiến khi đối tượng không ký biên bản VPHC là một giải pháp/lựa chọn phù hợp, không trái với quy định của pháp luật và đảm bảo được nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật” (Điều 3 Luật xử lý VPHC).
Thực tiễn việc mời người làm chứng (như đại diện chính quyền cơ sở hoặc 2 người làm chứng bất kỳ) khi lập biên bản thời gian qua còn rất nhiều bất cập, nhiều ý kiến trái chiều khác nhau vì liên quan đến sự bảo đảm các nguyên tắc xử lý VPHC khi thực hiện xử phạt. Với ý kiến, đề xuất người làm chứng là Thừa phát lại nêu trên, rất mong cần sự tư vấn, cho ý kiến của các Luật sư, các đồng nghiệp Thư viện pháp luật nhằm có cơ sở để vận dụng thuận lợi khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Xin trân trọng cảm ơn các anh chị!