Từ chối tiêm vắc xin Covid-19 có bị phạt - Minh họa
Gần như toàn bộ các tỉnh thành có diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay đều đang gấp rút triển khai tổ chức kế hoạch tiêm chủng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng ngồi vào bàn tiêm vắc xin vì nhiều lý do khác nhau. Trong trường hợp bạn không đồng ý tiêm vắc xin Covid-19, đây có phải hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt?
Trước hết, dù muốn hay không thì chúng ta cần hiểu rằng tất cả các loại vắc xin đang được sử dụng để tiêm chủng rộng rãi tại Việt Nam đều đã được Bộ Y tế kiểm định và cấp giấy phép lưu hành. Quy chế kiểm định vắc xin là như nhau bất kể nguồn gốc xuất xứ, nghĩa là phải đủ an toàn thì mới đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, vì vậy nếu điều kiện sức khỏe đảm bảo, không có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc thì việc tiêm chủng là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của mỗi người dân đối với xã hội.
Quay trở lại vấn đề, để biết được từ chối tiêm vắc xin Covid-19 có bị phạt hay không, ta phải tìm được quy định về những loại vắc xin bắt buộc phải sử dụng.
Khoản 1 Điều 29 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định:
“1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh”.
Thực hiện quy định này, Thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Hiện nay, có 8 loại bệnh bắt buộc phải dùng vắc xin, sinh phẩm y tế, bao gồm:
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh bại liệt
- Bệnh ho gà
- Bệnh Rubella
- Bệnh sởi
- Bệnh tả
- Bệnh viêm não Nhật Bản B
- Bệnh dại
Ngoài ra, quy định không nhắc đến các bệnh liên quan đến Covid-19.
Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định, người có hành vi “Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhìn vào hàng loạt căn cứ trên, chúng ta cần đặt ra câu hỏi, việc bắt buộc “sử dụng” vắc xin ở đây phải hiểu theo hướng nào trong 2 hướng sau:
- Nếu người có trách nhiệm thực hiện tiêm chủng cho những người là đối tượng được tiêm chủng không thực hiện trách nhiệm của mình thì phải bị xử phạt
- Nếu người là đối tượng tiêm chủng không đồng ý tiêm chủng thì sẽ bị xử phạt
Theo quan điểm của mình, đối với những loại vắc xin đã được khẳng định an toàn tuyệt đối dành cho người bệnh, việc bắt buộc tiêm chủng là hợp lý, tuy nhiên nếu vẫn có một số ca chết vì tiêm một loại vắc xin nào đó thì không thể đưa vắc xin này vào danh sách “bắt buộc tiêm chủng”.
Tới thời điểm hiện tại, người dân vẫn được điền vào “Phiếu đồng ý tiêm chủng” trước khi tiêm vắc xin Covid-19, tức bạn hoàn toàn có quyền chọn không tiêm chủng, và đương nhiên bạn sẽ không bị phạt nếu không đồng ý tiêm.