Từ chối nhận hàng, thanh toán tiền hàng khi Bên bán giao hàng trễ

Chủ đề   RSS   
  • #468823 26/09/2017

    Từ chối nhận hàng, thanh toán tiền hàng khi Bên bán giao hàng trễ

    Kính gửi Luật sư,

    Công ty tôi gặp tình huống như sau nhờ Luật sư tư vấn giúp:

    Công ty tôi có ký kết hợp đồng mua 2000 kg bột mì nguyên liệu làm bánh với một đối tác, được chia thành 2 lần giao hàng là ngày 5/9/2017 và 20/9/2017 tại công ty tôi. Thanh toán đợt 1 ngày 7/9/2017 (sau khi giao hàng 2 ngày) và thanh toán đợt 2 ngày 20/9/2017.

    Tuy nhiên, ngày 5/9 công ty đối tác không giao hàng mà gửi thông báo giao hàng trễ 5 ngày do chưa gom đủ hàng. Công ty tôi đã trả lời không đồng ý gia hạn, yêu cầu công ty đối tác phải giao hàng đúng thỏa thuận. Do công ty đối tác không giao hàng nên đến 7/9 công ty tôi cũng không thanh toán tiền hàng đợt 1. Đồng thời công ty tôi ký HĐ mua hàng chỗ khác để kịp sản xuất, gây thiệt hại do phải mua với giá cao hơn và ảnh hưởng dây chuyền sản xuất do thiếu nguyên liệu.

    Đến 20/9 công ty đối tác giao toàn bộ 2000 kg bột nhưng công ty tôi đã từ chối nhận hàng do công ty tôi cho rằng công ty đối tác đã vi phạm hợp đồng vì giao hàng chậm đợt 1 và công ty tôi đã mua của nơi khác và không cần hàng này nữa.

    Luật sư tư vấn giúp trường hợp này công ty tôi từ chối nhận hàng là đúng không? Công ty tôi có quyền yêu cầu công ty đối tác bồi thường thiệt hại do không giao hàng đúng thỏa thuận không?

    Cảm ơn Luật sư.

     
    13339 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #468942   27/09/2017

    AuQuangPhuc
    AuQuangPhuc
    Top 100
    Male
    Lớp 3

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/04/2011
    Tổng số bài viết (656)
    Số điểm: 4556
    Cảm ơn: 17
    Được cảm ơn 183 lần


    Chào bạn,

    Trước khi trả lời tư vấn trong trường hợp này của bạn, tôi đặt ra giả thiết rằng hai bên cùng thỏa thuận việc giao hàng chia làm 02 lần, mỗi lần bằng nhau là 1000 kg bột mì; Và sau 02 ngày kể từ khi giao hàng mỗi lần thì bên kia phải thanh toán tiền đúng số lượng hàng đã giao. Trong hợp đồng thỏa thuận rằng nghĩa vụ thanh toán chỉ phát sinh khi đã nhận hàng, không phải là những cam kết hành vi độc lập.

    Pháp luật hiện hành luôn đề cao sự tự nguyện và thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự cũng như giao dịch thương mại. Vì vậy, mọi tranh chấp cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên khi xem xét phải căn cứ vào hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Như vậy,

    Căn cứ điều 297 Luật TM 2005 thì:

    Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

    1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

    2. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

    3. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

    4. Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

    5. Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.

    Giao hàng lần 1: Trong trường hợp này, bên bán tuy có thông báo sẽ giao hàng chậm nhưng bên mua không đồng ý thì coi như hợp đồng vẫn giữ nguyên như đã thỏa thuận. Và bên bán đã vi phạm việc giao hàng, bên mua có quyền không nhận hàng do bên bán giao trễ. Và, được quyền căn cứ khoản 3 điều 297 để mua hàng của bên thứ 3 để thay thế (theo số lượng tương ứng); Bên bán phải chịu trách nhiệm chi trả khoảng thiệt hại do chênh lệch chi phí này gây ra. Tuy nhiên, bên mua phải thông báo cho bên bán biết để ước tính hậu quả mình phải gánh chịu.

    Giao hàng lần 2: Bên mua không thể lấy lý do vì bên bán đã giao hàng trễ đợt 1 mà lại không nhận hàng của đợt 2, không thanh toán đợt 2. Vì các bên đã thỏa thuận nhận hàng theo từng lần thì phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã cam kết. Mọi hành vi không thực hiện đúng theo như đã cam kết thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý do mình gây ra. Trong trường hợp này, bên bán hoàn toàn có quyền yêu cầu bên B thực hiện đúng hợp đồng là nhận hàng đợt 2, thanh toán đợt 2 và khởi kiện phạt vi phạm thanh toán hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có).

    Luật sư: Âu Quang Phục

    Nhận tư vấn trọn gói cho Công ty về pháp luật Doanh nghiệp; hợp đồng kinh tế; lao động; quản trị, tái cấu trúc DN ...

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn AuQuangPhuc vì bài viết hữu ích
    hillarydoan (27/09/2017)

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau:

Luật sư: Âu Quang Phục

Nhận tư vấn trọn gói cho Công ty về pháp luật Doanh nghiệp; hợp đồng kinh tế; lao động; quản trị, tái cấu trúc DN ...