Khi gia đình có trẻ khuyết tật thì việc xin cho con nhập học là một chuyện tương đối khó khăn hơn với các trẻ bình thường. Mặc dù đã có quy định về việc đảm bảo quyền lợi được học tập, giáo dục bình đẳng của trẻ khuyết tật, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp từ chối nhận nhập học.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc nhập học của trẻ khuyết tật, nhà trường từ chối nhận có vi phạm pháp luật?
Như thế nào là khuyết tật?
Theo quy định của Luật Người khuyết tật 2010 giải thích rằng Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Người khuyết tật được chia theo các mức độ khuyết tật như sau:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc các trường hợp được quy định trên.
Hiện trạng
Nhiều gia đình khi có con là trẻ khuyết tật rất vất vả, nhất là trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu đến độ tuổi đi học.
Cụ thể, một số trường hợp gia đình của những trẻ khuyết tật phải cầm đơn đi xin nhập học cho con ở nhiều trường nhưng kết quả vẫn là sự từ chối tiếp nhận, không có nơi nào đồng ý cho con họ nhập học.
Hoặc nhiều nơi nói với gia đình trẻ nên đưa con họ vào trường khuyết tật bởi chúng bị khuyết tật và sẽ khó hòa nhập trong môi trường giáo dục này.
Việc này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bởi lẽ khi trẻ khuyết tật đủ điều kiện học hòa nhập thì tưởng chừng như đã có thể nhập học theo quy định, tuy nhiên nhiều trường lấy lý do không có đủ các cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của trẻ nên từ chối tiếp nhận.
Ngoài ra, một số trường hợp nhà trường từ chối nhận trẻ vì số tuổi lớn hơn đối với học sinh cùng lớp. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật.
Quy định về giáo dục đối với trẻ khuyết tật
Căn cứ tại Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về giáo dục đối với người khuyết tật như sau:
- Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
- Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
- Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 2 Điều 27.
Như vậy, nhà trường không có quyền từ chối tiếp nhận nhập học đối với trẻ khuyết tật và trẻ khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định đối với giáo dục phổ thông.
Chế độ ưu tiên nhập học và tuyển sinh đối với trẻ khuyết tật
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định ưu tiên nhập học và tuyển sinh như sau:
Ưu tiên nhập học
Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
Ưu tiên tuyển sinh
- Đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông
Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Đối với trung cấp chuyên nghiệp
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
- Đối với đại học, cao đẳng
Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Như vậy, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
Nhà trường từ chối nhập học đối với trẻ khuyết tật bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định:
Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
- Không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng;
- Từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật;
- Đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật;
- Không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật;
- Cản trở quyền học tập của người khuyết tật.
Bên cạnh đó, còn phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục;
- Không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở giáo dục.
Lưu ý: Mức phạt này áp dụng đối với trường hợp tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2.