1. Nếu ban đầu hai vợ chồng có đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung thì tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Khoản 2, điều 59, Luật hôn nhân quy định về nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng như sau:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Nhưng đó là nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng. Nếu vợ chồng thỏa thuận được với nhau về tài sản thì pháp Luật vẫn tôn trọng sự thỏa thuận đó.
Trường hợp này, đương sự phải chịu án phí tương ứng với giá trị tài sản yêu cầu phân chia ghi nhận trong bản án.
Ngay cả trường hợp trong quá trình tòa án giải quyết mà vợ chồng thỏa thuận được về phân chia tài sản và tòa án chỉ ra quyết định công nhận thỏa thuận này thì đương sự vẫn phải chịu án phí.
Trường hợp hai vợ chồng thuận tình ly hôn, thỏa thuận được nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.
Thủ tục giải quyết việc dân sự đơn giản, nhanh hơn và đương sự chỉ phải chịu lệ phí tương ứng theo quy định. Trong khi đó các nội dung vợ chồng tự thỏa thuận được về nuôi con, tài sản chung vẫn được ghi nhận.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu,nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì lệ phí giải quyết việc hôn nhân gia đình là 300 nghìn đồng.
Lưu ý các đương sự, khi yêu cầu tòa án giải quyết phải xem xét yêu cầu của mình có thể giải quyết theo thủ tục tố tụng nào (giải quyết theo vụ án dân sự hay việc dân sự) thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ đó, đương sự chọn cách yêu cầu tòa án giải quyết có lợi cho mình (lệ phí thì thấp hơn nhiều so với án phí).
Bên cạnh đó, nếu cần phân chia tài sản chung, 2 vợ chồng có thể chọn cách đến các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng thỏa thuận phân chia tài sản này.
Văn bản công chứng về thỏa thuận tài sản vẫn có giá trị để vợ chồng thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản như sang tên, đăng bộ, mua bán, cầm cố...
2. Trong trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay thực hiện việc phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế cần phải có đầy đủ các điều kiện cụ thể như sau:
- Nếu đã sử dụng đất này ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì trong trường hợp này những người thừa kế sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Nếu sử dụng đất ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hồ sơ địa chính. Theo đó, người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu số 04/ĐK.
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trong trường hợp của bạn thì bạn nộp các giấy xác nhận đất sử dụng ổn định từ trước ngày 1 tháng 7 năm 2014 và giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân về việc đất không có tranh chấp…
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế;
- Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế;
- Chứng minh nhân dân/hộ chiếu, hộ khẩu của người để và người nhận di sản.
Căn cứ theo quy định tại điều 620 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Cụ thể:
“Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Như vậy, nếu muốn từ chối nhận phần di sản mà người chết để lại thì việc từ chối của người thừa kế phải lập thành văn bản và có chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ – CP, những người thừa kế từ bỏ quyền thừa kế buộc phải đến ủy ban nhân dân xã để là thủ tục từ chối nhận di sản. Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.