Từ 26/11, điều kiện thành lập hội thay đổi như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617418 11/10/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1703 lần


    Từ 26/11, điều kiện thành lập hội thay đổi như thế nào?

    Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

    Điều kiện thành lập hội từ 26/11/2024

    Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập hội như sau:

    (1) Tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

    - Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

    - Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

    - Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

    - Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

    So với quy định hiện hành về tên gọi của hội chỉ cần đảm bảo không trùng lặp quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP.

    (2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

    (3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

    (4) Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 126/2024/NĐ-CP.

    (5)  Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2024/NĐ-CP.

    (6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

    - Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

    - Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

    - Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

    - Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

    - Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

    (7) Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. (điểm mới)

    Nội dung chính của điều lệ hội

    Căn cứ  tại Điều 14 Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về 16 nội dung chính của điều lệ hội như sau:

    1. Tên gọi của hội.

    2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.

    3. Địa vị pháp lý, trụ sở chính của hội.

    4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.

    5. Quyền và nghĩa vụ của hội.

    6. Tiêu chuẩn hội viên.

    7. Quyền, nghĩa vụ của hội viên; thủ tục đăng ký tham gia hội, thủ tục ra khỏi hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên.

    8. Cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; nhiệm vụ, quyền hạn của đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra hội; thành lập, quản lý tổ chức thuộc hội; nguyên tắc, hình thức biểu quyết; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội.

    9. Đại diện theo pháp luật của hội; nhiệm vụ, quyền hạn, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ công tác, cho phép công tác trở lại, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch, phó chủ tịch hội và các chức danh khác (nếu có).

    10. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể hội.

    11. Nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.

    12. Khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm.

    13. Giải quyết tranh chấp, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức và hoạt động của hội.

    14. Các nội dung khác (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật.

    15. Sửa đổi, bổ sung điều lệ.

    16. Hiệu lực thi hành.

    Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội

    Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội thuộc:

    - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn.

    - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

    Xem chi tiết tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 và Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012.

     
    100 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận