Nhiều bạn thắc mắc về quy định chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền tại Thông tư 01/2020/TT-BTP rằng: Việc quy định 04 trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền có làm hạn chế việc ủy quyền không?
Về vấn đề này mình sẽ hướng dẫn giải đáp như sau:
Việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội
Nội dung này hướng dẫn điểm d, khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.
Việc quy định 04 trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không làm hạn chế việc ủy quyền của tổ chức, cá nhân. Nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP thì người dân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Về thẩm quyền chứng thực:
Người thực hiện chứng thực có thể đến UBND cấp xã để yêu cầu chứng thực hợp đồng ủy quyền mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Trừ trường hợp liên quan đến chứng thực quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì phải thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà, có đất.