Từ 02/7/2024, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Chủ đề   RSS   
  • #611803 22/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 200
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (419)
    Số điểm: 6151
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 126 lần


    Từ 02/7/2024, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

    Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

    Nghị định 56/2024/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 02/7/2024.

    Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định 55/2011/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và quy định thêm đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng điều chỉnh của Nghị định.

    (1) Quy định về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP, bổ sung thêm Điều 10a vào Điều 10 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

    - Căn cứ vào yêu cầu công tác pháp chế, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức, bộ phận pháp chế chuyên trách hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. 

    Việc thành lập tổ chức hoặc bộ phận pháp chế chuyên trách thực hiện theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

    - Tổ chức pháp chế, bộ phận pháp chế chuyên trách, viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế cơ quan chủ quản và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp

    Như vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập phải thành lập tổ chức hoặc bộ phận pháp chế hoặc phải bố trí viên chức thực hiện các công tác pháp chế trong đơn vị của mình từ 02/7/2024.

    (2) Chức năng của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

    Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP bổ sung thêm khoản 3 cho Điều 2 Nghị định 55/2011/NĐ-CP nêu rõ, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Như vậy, việc có thêm một tổ chức, bộ phận chuyên trách mảng pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giúp cho việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được chính xác và rút ngắn thời gian hơn.

    (3) Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập

    Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm Điều 5a vào Điều 5 của Nghị định 55/2011/NĐ-CP để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

    Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

    - Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, văn bản, hợp đồng theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Tham mưu, tư vấn những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị.

    - Phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập cho viên chức, người lao động.

    - Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị.

    - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị giao hoặc theo quy định của pháp luật.

    Các thành viên tổ chức pháp chế, bộ phận chuyên trách pháp chế hoặc viên chức đảm nhiệm công tác pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong đơn vị sự nghiệp để đảm bảo công tác pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng với quy định của pháp luật.

    (4) Bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

    Tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 56/2024/NĐ-CP bổ sung thêm Điều 16a vào Điều 16 Nghị định 55/2011/NĐ-CP để quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

    Cụ thể, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là:

    - Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp.

    Như vậy, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có trách nhiệm tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức đảm nhiệm công tác pháp chế và đảm bảo kinh phí cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

    Nghị định 56/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 02/7/2024.

     
    56 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận