Từ 01/8, người nước ngoài được mua nhà biệt thự, nhà ở liền kề

Chủ đề   RSS   
  • #614634 30/07/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26758
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 553 lần


    Từ 01/8, người nước ngoài được mua nhà biệt thự, nhà ở liền kề

    Luật Nhà ở 2023 sẽ chính thức có hiệu lực vào 01/8 sắp tới đây. Theo đó, tại Luật này đã cho phép người nước ngoài được mua nhà biệt thự và nhà ở liền kề. Cụ thể như sau.

    (1) Từ 01/8, người nước ngoài được mua nhà biệt thự, nhà ở liền kề

    Căn cứ Điều 19 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024) quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam như sau:

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

    - Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ như đã nêu trên.

    So với quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì tại đây chỉ quy định người nước ngoài được sở hữu nhà chung cư dưới hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế. Sang đến Luật Nhà ở 2023 đã cho phép người nước ngoài được mua nhà biệt thự, nhà ở liền kề.

    (2) Những đối tượng người nước ngoài nào được sở hữu nhà tại Việt Nam

    Căn cứ Điều 17 Luật Nhà ở 2023 có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

    - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).

    - Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

    Bên cạnh đó, trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định nêu trên thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức như sau:

    - Tổ chức quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam.

    - Tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm b và c khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 thì được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023

    Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân nêu trên còn được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở.

    Theo đó, người nước ngoài thuộc một trong những đối tượng như đã nêu trên thì được sở hữu nhà tại Việt Nam.

    (3) Những trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

    Cụ thể, tại Điều 22 Luật Nhà ở 2023 có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp dưới đây thì sẽ không được cấp GCN đối với nhà ở mà chỉ được phép bán hoặc tặng cho nhà ở này cho đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

    - Được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 Luật Nhà ở 2023 hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023.

    Những đối tượng nêu trên được trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác bán hoặc tặng cho nhà ở.

    - Tổ chức không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.

    Những đối tượng nêu trên được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.

    Ngoài ra, những đối tượng được thừa kế nhà ở có cả tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở và không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên phải thống nhất xử lý tài sản thừa kế là nhà ở này theo một trong các trường hợp như sau:

    - Để cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thừa kế nhà ở này; tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hưởng giá trị của nhà ở này tương ứng với phần tài sản được thừa kế.

    - Tặng cho hoặc bán nhà ở này cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị.

    Theo đó, nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì  tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở.

     
    2258 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (30/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận