Ngày 17/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định rõ các yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, hồ
(1) Yêu cầu chung đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, hồ
Thời gian gần đây, những hạt cát tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến các dự án xây dựng trọng yếu của đất nước. Việc khai thác cát lậu, “cát tặc” hoành hành và thiếu cát để xây dựng các dự án trọng điểm của Nhà nước đã khiến dư luận rất quan tâm đến vấn đề thiếu tài nguyên cát.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi vô tội vạ trên sông, hồ cũng gây nên hậu quả sạt lở đất. Không ít những vụ việc khai thác cát trái phép làm gây sạt lở đất nghiêm trọng được VTV đăng tải.
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, bao gồm khai thác cát sỏi lòng, bãi sông, hồ phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 60 Nghị định 53/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định hoạt động khai thác cát, sỏi phải đáp ứng được các yêu cầu chung về bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ như sau:
- Phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan;
- Phù hợp với các quy định về hành lang thoát lũ, xả lũ của các hồ chứa, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp; phù hợp với các quy định về bảo vệ, bảo tồn hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ nguồn nước;
- Bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không làm suy giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, gây sạt lở bờ, bãi sông, hồ; không làm suy giảm mực nước sông trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng nước trên sông;
- Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, hồ; không làm mất ổn định bờ, bãi sông, hồ và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước;
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông, hồ;
- Tuân thủ các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Như vậy, Chính phủ quy định để thực hiện được việc khai thác, các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông phải đáp ứng được các yêu cầu chung trên đây.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần. Chính phủ còn quy định các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, hồ. Do đó, để được khai thác cát, sỏi trên sông, hồ các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đủ các yêu cầu cụ thể này.
(2) Yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông
Căn cứ tại Điều 61 Nghị định 53/2024/NĐ-CP, khi hoạt động khai thác cát sỏi trên sông ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung đã nêu trên thì còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau đây:
- Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định;
- Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định;
- Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi lắng, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông;
- Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông thì cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông;
- Vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác cát, sỏi phải do cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản cho phép theo quy định pháp luật về khoáng sản bảo đảm không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
(3) Yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên hồ
Theo quy định tại Điều 62 Nghị định 53/2024/NĐ-CP, khi thực hiện khai thác cát, sỏi trên hồ thì trước tiên vẫn phải đáp ứng các yêu cầu chung được nêu ở mục (1), bên cạnh đó còn phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
- Phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác phải được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản đảm bảo không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ hồ.
- Không gây ô nhiễm nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ; không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì phải tuân thủ các quy định pháp luật về thủy lợi, pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa.
Có thể thấy, Chính phủ nước ta đang rất nỗ lực để kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động khai thác tài nguyên cát, sỏi trên sông hồ để ngăn chặn “cát tặc” và giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng do thực hiện việc khai thác cát, sỏi trên sông, hồ.
Nghị định 53/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.