Từ 01/7/2024, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật còn nhận phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm không?

Chủ đề   RSS   
  • #611980 25/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Từ 01/7/2024, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật còn nhận phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm không?

    Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm là gì? Từ 1/7, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật còn được nhận phụ cấp ưu đãi không?

    (1) Phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp trách nhiệm công việc là gì?

    Phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp trách nhiệm công việc là một khoản tiền mà người lao động sẽ được nhận thêm khi nhận lương do làm những công việc đặc thù, có điều kiện lao động cao hơn bình thường.

    Căn cứ vào điểm b và điểm d2 khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp trách nhiệm công việc được quy định như sau:

    Phụ cấp ưu đãi nghề được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.

    Phụ cấp gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

    Phụ cấp trách nhiệm công việc được áp dụng đối với những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

    Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

    (2) Giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được nhận phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp trách nhiệm không?

    Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 113/2015/NĐ-CP, đối tượng được nhận phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp trách nhiệm công việc bao gồm:

    - Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

    - Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

    - Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

    - Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

    Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định 113/2015/NĐ-CP, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học dành riêng cho người khuyết tật là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học có từ 70% trở lên số học viên là người khuyết tật và lớp hòa nhập là lớp học thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có từ 5% đến dưới 70% số học viên là người khuyết tật.

    Như vậy, nhà giáo chuyên trách và không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học dành riêng cho người khuyết tật và trong các lớp hòa nhập dành cho người khuyết tật là đối tượng được nhận phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp công việc.

    (3) Từ 1/7, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật còn được nhận phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm không?

    Từ 01/7/2024, theo Nghị quyết 27/NQ-TW mức lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được áp dụng theo bảng lương mới, tiền lương chiếm 70% và các khoản phụ cấp chiếm 30% trong tổng tiền lương được nhận.

    Căn cứ tại điểm d tiết 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27/NQ-TW quy định việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành có nêu rõ:

    Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.”

    Như vậy, từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề sẽ được gộp với phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm và được gọi chung với tên gọi mới là phụ cấp theo nghề.

    Do đó, giảng viên chuyên trách hoặc không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học dành riêng cho người khuyết tật và trong các lớp hòa nhập dành cho người khuyết tật sẽ vẫn được nhận phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc nhưng sẽ dưới tên gọi là phụ cấp theo nghề.

     
    432 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (01/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận