Từ 01/05/2024, thay đổi hình thức kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước

Chủ đề   RSS   
  • #609731 20/03/2024

    phucpham2205
    Top 200
    Lớp 6

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (410)
    Số điểm: 7418
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 154 lần


    Từ 01/05/2024, thay đổi hình thức kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước

    Ngày 14/03/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTC Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước. Trong đó, có đề cập đến 02 hình thức kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước như sau.

    (1) Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước

    Cụ thể, công tác kiểm soát, thanh toán sẽ được Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:

    - Việc chi NSNN chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao. Ngoại trừ trường hợp được quy định tại Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước 2015 hoặc đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hay người được ủy quyền quyết định chi, số dư tài khoản của đơn vị còn đủ để chi.

    - Kiểm tra tính hợp pháp của chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc Nhà nước. Trường hợp phát hiện cố tình giả mạo, thay thế nội dung, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán đối với các hồ sơ không thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc Nhà nước.

    - Kiểm soát định mức (mức chi) theo quy định, trường hợp đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ thì kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ.

    - Trường hợp tạm ứng thì thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 163/2016/NĐ-CP.

    - Trường hợp các khoản chi được thực hiện qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước thì việc kiểm soát, thanh toán phải tuân thủ theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP, Nghị định 11/2020/NĐ-CP, Nghị định 45/2020/NĐ-CPThông tư 87/2021/TT-BTC.

    (2) 02 hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước

    Theo Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BTC quy định Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước theo 02 hình thức sau:

    - Thanh toán trước, kiểm soát sau: Đây là hình thức thanh toán áp dụng cho từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước sẽ: 

    + Thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc. 

    + Gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán. 

    + Gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước). 

    + Về kiểm soát hồ sơ: Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán.

    + Về xử lý sai phạm: Trường hợp kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước sẽ gửi văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư 17/2024/TT-BTC cho đơn vị sử dụng ngân sách. Tiếp đến, thực hiện xử lý thu hồi, giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo. Trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BTC

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/20/thong-bao-mau-so-01.docx Mẫu số 01

    - Kiểm soát trước, thanh toán sau: Là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi. Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

    (3) Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước

    Theo Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BTC, ngoài những nguyên tắc kiểm soát, thanh toán được quy định tại Điều 2 Thông tư 17/2024/TT-BTC thì Kho bạc Nhà nước còn kiểm soát các nội dung như sau:

    - Chữ ký và dấu trên chứng từ chuyển tiền: 

    + Đối với giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước: phải khớp đúng với mẫu dấu và chữ ký đăng ký giao dịch. 

    + Đối với giao dịch qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, chữ ký số phải đúng họ tên, chức danh của các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền và đã đăng ký với Kho bạc Nhà nước.

    Ngoài ra, nội dung và số tiền, hạch toán kế toán tại chứng từ chuyển tiền phù hợp với các hồ sơ có liên quan kèm theo.

    - Nội dung chi và số tiền thanh toán: Phải phù hợp với các hồ sơ có liên quan kèm theo. Phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục NSNN hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi). 

    - Mức tạm ứng: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BTC. Nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đề nghị tạm ứng. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, Kho bạc Nhà nước thanh toán tạm ứng trong phạm vi các tiểu mục trong cùng nhóm mục tương ứng với nội dung đã tạm ứng. 

    - Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước (có giá trị trên 50 triệu đồng): 

    + Kho bạc Nhà nước sẽ căn cứ theo hồ sơ đề nghị thanh toán, các điều khoản thanh toán, tạm ứng trong hợp đồng và tổng giá trị Hợp đồng để tạm ứng, thanh toán cho đối tượng thụ hưởng. 

    + Trường hợp hợp đồng có quy định bảo lãnh tạm ứng: Kho bạc Nhà nước kiểm soát thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi đơn vị sử dụng ngân sách thu hồi hết số tiền tạm ứng. Khi bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn nhưng đơn vị sử dụng ngân sách chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp với nhà thầu làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng hoặc thanh toán tạm ứng theo quy định.

    - Đối với Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (Mẫu số 08a Nghị định 11/2020/NĐ-CP): việc kiểm soát sẽ được như hiện như sau:

    + Đối với khoản chi mua sắm hàng hóa: Nội dung kiểm soát bao gồm: công việc, đơn vị tính, số lượng, đơn giá đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng. 

    Trường hợp chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Tiết b Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BTC

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/20/mau-so-08a.docx Mẫu số 08a

    - Đối với khoản chi dịch vụ: Đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm lập Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước dựa trên căn cứ từ nội dung Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu cho phù hợp, đảm bảo thể hiện đúng nội dung công việc và giá trị thanh toán theo hợp đồng. Kho bạc Nhà nước sẽ kiểm soát nội dung công việc và giá trị thanh toán (đơn vị tính, số lượng, đơn giá nếu có) đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng. 

    - Đối với Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng: Đơn vị kê khai theo Mẫu số 07 Nghị định 11/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình kê khai cần lưu ý những nội dung như sau:

    + Chứng từ chi là các chứng từ được quy định theo hệ thống chứng từ tại Thông tư 107/2017/TT-BTC.

    + Kho bạc Nhà nước kiểm soát Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng đảm bảo: Mã nội dung kinh tế khớp đúng với Giấy rút dự toán, nội dung thanh toán. Tổng số tiền phù hợp với Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi và không vượt định mức quy định. 

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/20/mau-so-07.docx Mẫu số 07

    - Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật: 

    + Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật và việc kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật. 

    + Ghi nội dung thanh toán và nội dung "Khoản chi có yêu cầu bảo mật" trên Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi. Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi này để thanh toán theo đề nghị của đơn vị.

    - Trường hợp mua sắm theo phương thức tập trung: Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành kiểm soát các nội dung bao gồm:

    + Hàng hóa mua sắm có trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023).

    + Đảm bảo hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (được đăng tải bởi đơn vị theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 151/2017/NĐ-CP).

    Xem thêm các nội dung kiểm soát khác của Kho bạc Nhà nước tại Thông tư 17/2024/TT-BTC.

     
    325 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (06/05/2024) tt.hongchau1501@gmail.com (08/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận