Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Theo đó, từ ngày 01/01/2025 thì sẽ chỉ còn 2 ngạch thẩm phán so với 4 ngạch hiện hành.
Xem thêm: Đề xuất 3 bậc Thẩm phán Toà án nhân dân và cách chuyển từ ngạch sang bậc
Từ 01/01/2025 sẽ chỉ còn 2 ngạch thẩm phán
Theo Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về ngạch, bậc của Thẩm phán như sau:
- Thẩm phán gồm các ngạch sau đây:
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Còn theo quy định hiện hành tại Điều 66 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 quy định:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Thẩm phán cao cấp;
+ Thẩm phán trung cấp;
+ Thẩm phán sơ cấp.
- Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán cao cấp.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.
- Số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp và tỷ lệ các ngạch Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy, từ ngày 01/01/2025 thì thẩm phán TAND sẽ chỉ còn 2 ngạch là Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán TAND, không còn Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND từ 01/01/2021
Theo Điều 93 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Xem xét, quyết định việc thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Đề xuất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao việc giải quyết các văn bản yêu cầu, đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;
+ Kiểm tra, thẩm định tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng tờ trình, dự thảo kết luận việc thẩm tra hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và trình Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết khiếu nại trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng;
+ Đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thi hành án tử hình, trong công tác đặc xá theo quy định của pháp luật;
+ Đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phát triển án lệ đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Đề xuất nội dung rút kinh nghiệm, nội dung bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
+ Thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc tại Tòa án khác theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án và quy định của pháp luật.
Như vậy, từ ngày 01/01/2025, Thẩm phán TAND sẽ có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trên.
Nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND từ 01/01/2025 là bao lâu?
Theo Điều 100 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND như sau:
- Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân được tính là nhiệm kỳ đầu.
Như vậy, đối với Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu sẽ có nhiệm kỳ là 5 năm, được bổ nhiệm lại sẽ có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Xem thêm: Đề xuất 3 bậc Thẩm phán Toà án nhân dân và cách chuyển từ ngạch sang bậc