Trường hợp nào người lao động nước ngoài được cấp lại giấy phép lao động?

Chủ đề   RSS   
  • #607278 04/12/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (243)
    Số điểm: 1932
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 21 lần


    Trường hợp nào người lao động nước ngoài được cấp lại giấy phép lao động?

    Giấy phép lao động là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận cấp cho người nước ngoài để được làm việc tại quốc gia đó. Giấy phép lao động được cấp có thể được cấp lại không, trường hợp nào thì giấy phép lao động được cấp lại?

    1. Giấy phép lao động là gì?

    Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài đến làm việc tại một quốc gia khác, do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận cấp. Nếu người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam thì cần có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

    2. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động

    Theo Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, giấy phép lao động được cấp lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất.

    - Giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng.

    - Thay đổi một trong các nội dung sau: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn. (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP)

    Như vậy, nếu người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp trên thì có thể được cấp lại giấy phép lao động.

    3. Hồ sơ và trình tự cấp lại giấy phép lao động

    Theo Điều 13 Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động bao gồm các giấy tờ sau:

    - Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

    - 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

    - Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp: Trường hợp giấy phép lao động bị mất thì phải có xác nhận của cơ quan công an cấp xã nơi người nước ngoài cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật; Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động thì phải có các giấy tờ chứng minh. Các giấy tờ được quy định này phải là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực trừ trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, nếu là giấy tờ của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.

    Trình tự cấp lại giấy phép lao động được quy định tại Điều 14 Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Giấy phép lao động được cấp lại có thời hạn bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động. (Điều 15 Nghị định 152/2020/NĐ-CP)

    Như vậy, giấy phép lao động được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng, bị mất hoặc thay đổi thông tin về họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.

     
    56 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận