Trường hợp nào hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu? Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #601668 06/04/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần


    Trường hợp nào hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu? Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng ra sao?

    Hợp đồng bảo hiểm là bản ghi lại các giao kết của bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, qua đó yêu cầu các bên phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc các cam kết. Vậy trường hợp nào hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu? Và phương thức giải quyết sẽ ra sao? 
     
    truong-hop-nao-hop-dong-bao-hiem-se-vo-hieu-va-phuong-thuc-giai-quyet?
     
    1. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm
     
    Theo Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm thực hiện như sau:
     
    Theo đó, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:
     
    - Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: 
     
    Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
     
    - Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: 
     
    Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm.
     
    - Nguyên tắc bồi thường: 
     
    Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
     
    - Nguyên tắc thế quyền: 
     
    Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.
     
    - Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: Rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
     
    2. 11 trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
     
    Bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm cần lưu ý tại Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định 11 trường hợp sau đây sẽ vô hiệu hóa hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
     
    (1) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
     
    (2) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
     
    (3) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
     
    (4) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
     
    (5) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo.
     
    (6) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
     
    (7) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được.
     
    (8) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
     
    (9) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép.
     
    (10) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
     
    (11) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
     
    Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
     
    3. Phương thức giải quyết tranh chấp
     
    Các bên trong hợp đồng bảo hiểm có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
     
    - Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. 
     
    - Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.
     
    Như vậy, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm sẽ có tới 11 trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, để giải quyết tranh chấp các vấn đề này thì các bên có thể lựa chọn phương thức thỏa thuận hoặc kiện lên tòa Trọng tài hoặc cuối cùng là Tòa án.
     
    367 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận