“Bữa ăn cuối cùng” của người tử tù được quy định như thế nào? Những trường hợp nào sẽ không thi hành án tử hình? Khi thi hành án tử hình thì phải có những trang thiết bị nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Trước khi thi hành án, tử tù được ăn những gì?
Căn cứ Khoản 3 Điều 11 Nghị định 43/2020/NĐ-CP có quy định tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống (được hưởng bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam), viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 về chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:
Được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn hết tiêu chuẩn.
Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường.
Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, bữa cơm cuối cùng của người tử tù sẽ được trại tạm giam nơi giam giữ tổ chức cho người bị tử tù ăn, uống bằng 05 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định. Mà vào ngày lễ, Tết thì người này sẽ được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Theo đó, bữa cơm cuối cùng của người tử tù có thể được ăn với tiêu chuẩn tối đa gấp 25 lần mức ăn của một ngày bình thường. Tại thời điểm này, người tử tù sẽ được ăn những món mà mình thích và còn được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng để nhắn gửi cho người thân, gia đình.
(2) Không thi hành án tử hình đối với những trường hợp nào?
Căn cứ Khoản 3 Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định về những trường hợp sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án như sau:
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Người đủ 75 tuổi trở lên.
- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Theo đó, những trường hợp như đã kể trên cùng với những trường hợp bị kết án tử hình nhưng được ân giảm, thì hình phạt tử hình sẽ không được thi hành mà chuyển thành tù chung thân.
(3) Khi thi hành án tử hình thì cần phải có những trang thiết bị nào?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 43/2020/NĐ-CP có quy định về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình như sau:
Đối với cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ cho thi hành án tử hình: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ dựa trên tình hình thực tiễn để đầu tư xây dựng nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình tại Công an cấp tỉnh, đơn vị quân đội cấp quân khu để bảo đảm phục vụ công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Đối với trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình, bao gồm:
- Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án.
- Máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển.
- Máy kiểm tra nhịp đập của tim.
- Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án.
- Các dụng cụ và trang thiết bị khác phục vụ cho thi hành án.
Theo đó, để thi hành án tử hình thì cần phải có những cơ sở vật chất cùng những trang thiết bị, phương tiện như đã kể trên.