Lương thấp, môi trường không phù hợp, thay đổi định hướng..v.v..là những lý do dẫn đến câu chuyện nghỉ việc của người lao động. Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, trước khi nghỉ việc người lao động đừng quên làm những thủ tục này.
Trước khi nghỉ việc đừng quên làm những thủ tục này - Minh họa
1. Người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động
Căn cứ theo Bộ luật lao động 2019, người lao động được phép nghỉ việc mà không cần lý do, tuy nhiên phải đảm bảo thời hạn báo trước căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật này, cụ thể như sau:
- Đối với HĐLĐ không xác định thời hạn: Báo trước ít nhất 45 ngày
- Đối với HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng: Báo trước ít nhất 30 ngày
- Đối với HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng: Báo trước ít nhất 03 ngày.
Lưu ý: Nếu NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể nghỉ ngay mà không cần báo trước:
- NLĐ không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận (trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của BLLĐ 2019);
- NLĐ không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019);
- NLĐ bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- NLĐ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLLĐ 2019;
- NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 BLLĐ 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực
Vậy nếu không thuộc những trường hợp đặc biệt thì người lao động phải tiến hành báo trước với người sử dụng lao động khi quyết định nghỉ việc theo thời hạn luật định.
2. Bàn giao công việc nếu có thỏa thuận
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 về trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ thì không bắt buộc NLĐ phải thực hiện việc bàn giao.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao đồng, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác.
Vậy trong trường hợp trong HĐLĐ có thỏa thuận thì NLĐ phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao công việc trước khi nghỉ việc.
3. Nhớ lấy tiền lương những ngày chưa nghỉ phép
Căn cứ theo Điều 48 Bộ luật lao động 2019, người lao động sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn tối đa 30 ngày kề từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Tiền lương là khoản cơ bản mà người lao động nào cũng nhớ, nhưng mọi người cũng nhớ lấy cả tiền lương của những ngày chưa nghỉ phép căn cứ theo Khoản 3 Điều 113 Bộ luật này nhé.
4. Lấy sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác
Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nhấn mạnh, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, dù luật đã quy định nhưng người sử dụng lao động có thể chậm trễ việc này, người lao động nên nhắc kế toán của công ty để rút sổ bảo hiểm xã hội của mình.
5. Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do Qũy Bảo hiểm xã hội chi trả, chứ không phải người sử dụng lao động. Tuy nhiên để được hưởng khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, cụ thể như sau:
-Tháng liền kề trước khi nghỉ việc đang đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc hưởng chế độ thai sản hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động;
- Chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối vớihợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hoặc Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp;”
Mức hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Trong đó:
+ Với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
+ Với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ.
- Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
+ Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng BHTN: Được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
+ Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm :
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
- Sổ bảo hiểm xã hội đã được chốt.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
Lưu ý: NLĐ cần chuẩn bị thêm CMND/CCCD và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bản gốc để đối chiếu thông tin.
Thời hạn nộp hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp
Sau đó người lao động nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm (Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định 28/2015/NĐ-CP).
Lưu ý: Quá thời hạn nêu trên mà người lao động chưa nộp hồ sơ thì được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu và làm căn cứ tính trợ cấp thất nghiệp cho những lần hưởng tiếp theo.
Trên đây là một số điều mà người lao động cần phải làm khi xin nghỉ việc để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp của mọi người về vấn đề này.
Xem thêm:
>>> 02 quyền lợi đặc biệt dành cho người đã đi làm từ trước năm 2009
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 27/11/2021 05:31:15 CH