Về việc giảm giờ làm đối với lao động, Điều 166 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
“Điều 166. Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.”
Theo quy định tại Điều 187 thì “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.”
Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi và lao động nữ là 54 tuổi. Căn cứ khoản 3 Điều 166 nêu trên thì năm cuối cùng truớc khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì “Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu”.
Như vậy, người lao động cao tuổi truớc khi nghỉ hưu sẽ được rút ngắn ít nhất 1 tiếng mỗi ngày . Người sử dụng lao động và người lao động căn cứ vào công việc thực tế cũng như sức khỏe của người lao động để đưa ra số giờ làm phù hợp nhưng cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo có lợi hơn cho người lao động theo Khoản 1 Điều 4 Bộ luật lao động 2012.