Trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá không ưu đãi mẫu B

Chủ đề   RSS   
  • #607793 28/12/2023

    Trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá không ưu đãi mẫu B

    C/O là chứng từ phổ biến trong xuất nhập khẩu hàng hóa, và là chứng từ quan trọng để xác định xuất xứ hàng hóa từ đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể được hưởng chính sách ưu đãi thuế nếu mặt hàng đó nằm trong danh mục hàng hóa được ưu đãi theo thỏa thuận thương mại giữa 2 quốc gia xuất – nhập khẩu. Vậy để cấp C/O) không ưu đãi mẫu B cần thực hiện như thế nào? Hồ sơ gồm những giấy tờ gì?
     
    Trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) không ưu đãi mẫu B
     
    Bước 1: 
     
    - Thương nhân khai báo hồ sơ đăng ký thương nhân lần đầu qua trang điện tử http://comis.covcci.com.vn/ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Comis) hoặc nộp trực tiếp hồ sơ tại trụ sở của các đơn vị cấp C/O trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 
     
    - Thương nhân khai báo thông tin, đính kèm hồ sơ đề nghị cấp C/O tại trang điện tử http://comis.covcci.com.vn, hoặc nộp trực tiếp hồ sơ đề nghị cấp C/O tại trụ sở của Tổ chức cấp C/O, hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Tổ chức cấp C/O và nộp phí C/O.
     
    Bước 2: Cán bộ của Tổ chức cấp C/O kiểm tra xem bộ hồ sơ có hợp lệ hay không và thông báo cho thương nhân một trong các nội dung sau:
     
    1. Chấp nhận cấp C/O và thời gian thương nhân sẽ nhận được C/O;
     
    2. Đề nghị bổ sung chứng từ (nêu cụ thể những chứng từ cần bổ sung);
     
    3. Đề nghị kiểm tra lại chứng từ (nêu cụ thể thông tin cần kiểm tra nếu có bằng chứng cụ thể, xác thực làm căn cứ cho việc đề nghị kiểm tra này);
     
    4. Từ chối cấp C/O nếu phát hiện những trường hợp quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP hoặc nếu phát hiện lô hàng đã được xuất khẩu quá 1 năm kể từ ngày giao hàng;
     
    5. Đề nghị kiểm tra tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP (nếu cần thiết).
     
    Bước 3: Cán bộ của Tổ chức cấp C/O thẩm định hồ sơ bổ sung (nếu có); ký phê duyệt và trình người có thẩm quyền của Tổ chức cấp C/O ký cấp phép C/O.
     
    Bước 4: Người có thẩm quyền của Tổ chức cấp C/O ký cấp phép C/O trên hệ thống Comis hoặc ký cấp tay C/O giấy.
     
    Bước 5: Cán bộ của Tổ chức cấp C/O đóng dấu lên C/O, vào sổ theo dõi và kết thúc hồ sơ trên hệ thống Comis.
     
     Bước 6: Tổ chức cấp C/O trả C/O cho thương nhân.
     
    Hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) không ưu đãi mẫu B
     
    1. Hồ sơ đăng ký thương nhân gồm:
     
    - Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O và con dấu của thương nhân (Mẫu số 01 thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP);
     
    - Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có dấu sao y bản chính của thương nhân);
     
    - Danh mục các cơ sở sản xuất của thương nhân (Mẫu số 02 thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP);
     
    - Đơn đề nghị thay đổi nơi cấp C/O (Mẫu số 03 thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP).
     
    2. Hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:
     
    Đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định, hồ sơ đề nghị cấp C/O gồm:
     
    a) Đơn đề nghị cấp C/O được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (Mẫu số 04 thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP); mẫu 04.docx
     
    b) Mẫu C/O mẫu B đã được khai hoàn chỉnh (Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa) và Mẫu Tờ khai bổ sung C/O (nếu có) (Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT);
     
    c) Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp bản sao tờ khai hải quan;
     
    d) Bản sao hoá đơn thương mại (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
     
    đ) Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;
     
    e) Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi theo mẫu tương ứng do Bộ Công Thương quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa;
     
    g) Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác (Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT);
     
    h) Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
     
    Trong trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O yêu cầu thương nhân đề nghị cấp C/O nộp bổ sung các chứng từ thương mại dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguyên liệu mua bán/sản xuất trong nước.
     
    29 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận