Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức mới nhất từ 20/9/2023

Chủ đề   RSS   
  • #605729 27/09/2023

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (397)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 72 lần


    Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức mới nhất từ 20/9/2023

    Các bước xử lý kỷ luật đối với viên chức mới nhất được quy định như thế nào? Trường hợp nào không cần tổ chức họp kiểm điểm, không thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật.

    1. Các bước xử lý kỷ luật đối với viên chức

    Tại Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/9/2023 quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức như sau: 

    - Tổ chức họp kiểm điểm;

    - Thành lập Hội đồng kỷ luật;

    - Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

    => Theo đó, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện qua 03 bước là họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật.

    2. Trường hợp không cần tổ chức họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật

    Tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/9/2023 quy định các trường hợp không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm bao gồm:

    - Xử lý kỷ luật khi cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật.

     - Công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

    - Đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và công chức đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

    => Theo đó, nếu viên chức vi phạm thuộc 03 trường hợp như trên thì không cần phải thực hiện tổ chức họp kiểm điểm mà sẽ thành  lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật viên chức. 

    Tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/9/2023 quy định các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật bao gồm:

    - Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;

    - Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

    - Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

    Trường hợp viên chức đã bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, có quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại. 

    3. Người thân của viên chức vi phạm có được tham gia chủ trì họp kiểm điểm viên chức không? 

    Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung Khoản 11 vào Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về nguyên tắc xử lý kỷ luật như sau:

    Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm. 

    Tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP về trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm:

    - Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.

    - Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp kỷ luật. Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng viên chức chủ trì cuộc họp.

    => Theo đó, người thân của viên chức là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật không được là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm viên chức. 

    Như vậy, từ 20/9/2023 đã bổ sung thêm các trường hợp không cần tổ chức họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định xử lý kỷ luật trong quá trình xử lý kỷ luật viên chức; người thân của viên chức không được tham gia Hội đồng kỷ luật và không được là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

     
    730 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận