Trình tự thủ tục thực hiện việc cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #607402 09/12/2023

    Trình tự thủ tục thực hiện việc cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam

    Giấy xác nhận có gốc Việt Nam là một trong cơ sở để phục vụ cho việc đầu tư của Việt kiều về Việt Nam dưới hình thức lập doanh nghiệp. Ngoài ra, một số Việt kiều trước đây đã đầu tư về Việt Nam nhưng dưới hình thức nhờ người thân, bạn bè đứng tên để thành lập doanh nghiệp, hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp khác ở trong nước, nay nếu có nhu cầu lấy lại tài sản thì có thể sử dụng giấy xác nhận này để được đứng tên một cách hợp pháp. Vậy thủ tục cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam thực hiện như thế nào? 
     
    Trình tự thực hiện cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
     
    - Khi có nhu cầu xác nhận là người gốc Việt Nam, người yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi cư trú.
     
    - Người thụ lý hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ thụ lý và cấp Phiếu thụ lý hồ sơ theo mẫu quy định cho người nộp hồ sơ.
     
    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thông tin trong hồ sơ với giấy tờ do người yêu cầu xuất trình và đối chiếu với cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến quốc tịch. Nếu thấy có đủ cơ sở để xác định người đó có nguồn gốc Việt Nam, Sở Tư pháp ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu.
     
    Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
     
    Cách thức thực hiện cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
     
    Người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ.
     
    - Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì người thụ lý hồ sơ gửi Phiếu thụ lý cho người nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
     
    Thành phần hồ sơ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
     
    - Tờ khai đề nghị xác nhận là người gốc Việt Nam (Mẫu TP/QT-2020-TKXNNGVN) kèm 02 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng.
     
    - Bản sao giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
     
    - Bản sao giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.
     
    Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
     
    - Giấy tờ chứng minh nơi cư trú là một trong các giấy tờ sau:
     
    + Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú và xác nhận cư trú của Công an phường, xã, thị trấn dành cho người nước ngoài.
     
    + Đối với công dân Việt Nam: Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 thì yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
     
    * Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ phải nộp là bản sao thì người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch có thể nộp giấy tờ là bản chụp từ bản chính, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc. Nếu nộp bản chụp từ bản chính thì phải có bản chính để đối chiếu; người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và ký xác nhận đã đối chiếu.
     
    * Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì bản sao giấy tờ phải được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc; Đơn, Tờ khai, Bản khai lý lịch phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.
     
    478 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận