Tranh chấp lối đi, tường rào: phải giải quyết thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #577299 25/11/2021

    lamlinh_2507
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:28/03/2018
    Tổng số bài viết (126)
    Số điểm: 3130
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 170 lần


    Tranh chấp lối đi, tường rào: phải giải quyết thế nào?

    Hàng xóm trên thực tế thường hay xảy ra các mâu thuẫn với nhau trong quá trình sử dụng đất, mà thường thấy nhất là những tranh chấp liên quan đến lối đi, tường rào, cột mốc, ranh giới. Những trường hợp này sẽ đươc giải quyết thế nào?

    Tranh chấp lối đi, tường rào: phải giải quyết thế nào - Minh họa 

    1. Giải quyết tranh chấp quyền về lối đi qua.

    Quyền về lối đi qua

    Căn cứ theo Điều 254 Bộ luật dân sự 2015

    “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.”

    Căn cứ Theo điều 171 Luật đất đai 2013

    “ Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.”

    Cả hai quy định này đều cho thấy hộ dân sống trong thửa đất bị vây bọc bởi các thửa đất khác sẽ quyền yêu cầu một lối đi qua được tạo trên phần đất của thửa đất vây bọc ở phía ngoài. Lối đi này phải xem xét đến sự hợp lý và ít gây phiền hà nhất cho bên nhường đất tạo lập lối đi.

    Trên thực tế, có nhiều trường hợp do mâu thuẫn, do không thống nhất được vị trí đất..v.v..mà hai bên tranh chấp với nhau về lối đi qua. Việc giải quyết sẽ được thực hiện như thế nào?

    Thủ tục giải quyết khi phát sinh tranh chấp về lối đi qua

    Căn cứ khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

    Người muốn khởi kiện tiến hành việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án ( căn cứ điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

    Một bộ hồ sợ khởi kiện sẽ bao gồm:

    - Đơn khởi kiện;

    - Bản sao CCCD, CMND của người khởi kiện;

    -Bản sao các giấy tờ khác thể hiện quyền lợi chính đáng với lối đi chung như văn tự thỏa thuận, hóa đơn chi phí xây dựng lối đi…

    Đơn khởi kiện sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nguyên đơn cư trú nếu hai bên có thỏa thuận ( Căn cứ Điều 26, 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

    Sau khi nộp đơn, trình tự xử lý vụ án tại Tòa án sẽ xảy ra như sau:

    Nộp đơn khởi kiện => Tòa án sẽ Tiếp nhận và thụ lý => Chuẩn bị xét xử => Xét xử sơ thẩm => Thi hành án.

    Lưu ý: Đây là cách giải quyết tranh chấp quyền về lối đi qua, tức phần đất được dùng làm lôi đi hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của bên có đất nằm phía ngoài, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bằng hình thức khởi kiện tại Tòa án.

    Riêng trường hợp cũng tranh chấp về lối đi nhưng không xác định được lối đi chung đó là của ai thì đây là tranh chấp về quyền sử dụng đất, không giải quyết theo thủ tục này.

    2. Giải quyết tranh chấp về tường rào

    Quy định về mốc giới

    Căn cứ vào Điều 176 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

    “Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

    Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.”

    Mốc giới đánh dấu ranh giới giữa hai thửa đất liền kề nhau, những mốc giới thường thấy như việc dựng rào bằng cột mốc, tường rào, cây cối..v.v..

    Pháp luật quy định những mốc giới này ( tức tường rào, cột mốc) phải được lập trên phần đất của người lập mốc giới, không xâm phạm qua đất của thửa đất cạnh bên. Vậy nên mốc giới lúc này sẽ thuộc sở hữu riêng của người lập ra nó.

    Tuy nhiên trong trường hợp hai bên có thỏa thuận lập chung một mốc giới, cùng bỏ tiền và công sức để lập mốc giới thì lúc này mốc giới sẽ sở hữu chung của hai bên.

    Việc không có sự thỏa thuận mà tự lập mốc giới sang phần đất của người khác thì phải dỡ bỏ khi chủ sở hữu phần đất đó có yêu cầu.

    Thủ tục giải quyết khi phát sinh tranh chấp về tường rào

    Tranh chấp mốc giới giữa các thửa đất liền kề

    Căn cứ Điều 202, 203 Luật đất đai 2013 quy định

    Hai bên trước hết tự thỏa thuận với nhau. Nếu không đạt được sự thỏa thuận thì nộp đơn lên UBNX xã để tiến hành thủ tục hòa giải ( giải quyết không quá 45 ngày).

    Trường hợp đã được hòa giải mà hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành mà sau đó một bên đổi ý thì có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất

    Hồ sơ bao gồm

    - Đơn khởi kiện;

    - Bản sao CCCD, CMND của người khởi kiện;

    - Bản sao biên bản hòa giải tại UBND cấp xã;

    -Bản sao các giấy tờ khác thể hiện quyền lợi chính đáng đối với mốc giới

    Tranh chấp về việc lấn chiếm mốc giới (lấn chiếm tường rào)

    Căn cứ Điều 202, 203 Luật đất đai 2013 quy định

    Hai bên trước hết tự thỏa thuận với nhau. Nếu không đạt được sự thỏa thuận thì nộp đơn lên UBNX xã để tiến hành thủ tục hòa giải ( giải quyết không quá 45 ngày).

    Trường hợp đã được hòa giải mà hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành mà sau đó một bên đổi ý thì căn cứ vào Điều 203 chia ra hai trường hợp để giải quyết:

    TH1: Trường hợp một bên có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ tại điều 100 luật này thì nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất

    TH2: Trường hợp không có giấy chứng quyền sử dụng đất thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức là nộp đơn yêu cầu tại UBND cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.

    Hồ sơ bao gồm

    - Đơn khởi kiện/Đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại ;

    - Bản sao CCCD, CMND của người khởi kiện/ người yêu cầu;

    - Bản sao biên bản hòa giải tại UBND cấp xã;

    -Bản sao các giấy tờ khác thể hiện đất thuộc quyền sử dụng của mình.

    Sau khi nộp đơn, trình tự xử lý vụ án tại Tòa án sẽ xảy ra như sau:

    Nộp đơn khởi kiện => Tòa án sẽ Tiếp nhận và thụ lý => Chuẩn bị xét xử => Xét xử sơ thẩm => Thi hành án.

    Sau khi nộp đơn, trình tự giải quyết đơn khiếu nại tại UBND sẽ xảy ra như sau:

    Nộp đơn khiếu nại => UBND sẽ Tiếp nhận và thụ lý => Yều cầu giải trình, xác minh, đối thoại ( nếu cần) => Ra quyết định giải quyết khiếu nại

    Trên đây là những thông tin liên quan đến hưởng giải quyết khi phát sinh tranh chấp về lối đi qua, tường rào.

    Ngoài ra, mọi người có thể xem thêm bài viết liên quan tại đây: Không có sổ đỏ, tranh chấp đất đai giải quyết như thế nào?

     
    2410 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn lamlinh_2507 vì bài viết hữu ích
    admin (26/11/2021) ThanhLongLS (25/11/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #579784   28/01/2022

    Tranh chấp lối đi, tường rào: phải giải quyết thế nào?

    Cảm ơn những thông tin vô cùng hữu ích từ bài viết của bạn. theo quan điểm của mình thì đây là các tranh chấp dân sự thì điều đầu tiên cần làm đó là hòa giải, thỏa thuận trước “dĩ hòa vi quý”. Việc thưa kiện sẽ làm tốn thời gian tiền bạc và tình làng nghĩa xóm cho nên các tranh chấp như vậy nên được dàn xếp giữa các bên.

     
     
    Báo quản trị |