Bản án số:52/2007/KDTM-ST ngày 10 và 15.5.2007
V/v tranh chấp thành viên Công ty với nhau
Trong các ngày 10 và 15 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số122/2006/TLST-KDTM ngày 19 tháng 12 năm 2006 về Tranh chấp thành viên Công ty với nhau theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 46/2007/KDTM/QĐXX-ST ngày 05 tháng 4 năm 2007 giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Công ty công nghệ và thiết bị hàn
Trụ sở: 415 đường Giải Phóng, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội.
2. Bà Bùi Thị Thanh Hà
Trú tại: 53 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Do ông Nguyễn Thế Quyền - đại diện theo uỷ quyền (vắng mặt khi tuyên án).
3. Ông Lê Huy Cẩm
Trú tại: số 22 ngách 518/6 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Bị đơn: Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân
Trụ sở: đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.
Do ông Đinh Tiến Trọng - đại diện theo uỷ quyền.
Luật sư Đỗ Thị Thao Hà - Đoàn luật sư Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn
Nhận thấy
Trong đơn khởi kiện ngày 30.11.2006, nguyên đơn là Công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn do ông Nguyễn Nhâm - Giám đốc Công ty đại diện và bà Bùi Thanh Hà, ông Lê Huy Cẩm là các cổ đông của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân trình bày:
Trong đợt phát hành cổ phiếu của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân vào cuối tháng 12.2004 đầu tháng 01.2005, Công ty TNHH công nghệ và thiết bị hành đã mua 10.000 cổ phiếu (tương ứng với 01 tỷ đồng) tăng cổ phần lên 1.560.000.000 đồng, ông Lê Huy Cẩm mua 4.000 cổ phiếu (tương ứng 400.000.000 đồng) tăng cổ phần lên 1.011.099.120 đồng, bà Bùi Thanh Hà mua 4.000 cổ phiếu (tương ứng 400.000.000 đồng) tăng cổ phần lên 405.375.048đồng.
Kết quả việc bán cổ phiếu và tư cách của các nguyên đơn trong việc đại diện cho số cổ phần tương ứng với số cổ phiếu đã mua đã được Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân công nhận trong nghị quyết số 11/HĐQT ngày 07.4.2005. Và như vậy, số cổ phần của các nguyên đơn đã được Công ty công nhận về mặt pháp lý (thể hiện trên sổ sách của Công ty) để chia cổ tức của mỗi người.
Trong thời gian từ đó đến nay, các nguyên đơn tham gia vào việc biểu quyết, bổ sung vào thêm Hội đồng quản trị Công ty với tư cách là người đại diện cho toàn bộ số vốn của mỗi người (bao gồm vốn góp trước đó và vốn mua cổ phiếu nêu trên).
Ngày 09.11.2006, Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường và ra nghị quyết số 186/HĐQT có nội dung huỷ bỏ kết quả bán 25.000 cổ phần năm 2004 - 2005 (trong đó có số cổ phiếu mà các nguyên đơn đã mua).
Theo các nguyên đơn trình bày, việc tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 09.11.2006 không tuân thủ đúng Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp năm 2005, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nguyên đơn. Chính vì vậy, nguyên đơn đề nghị Toà án giải quyết các vấn đề sau:
1. Huỷ bỏ nghị quyết số 186/HĐQT ngày 09.11.2006 của Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
2. Công nhận kết quả của việc bán 23.000 cổ phiếu (trị giá 2.300.000.000đồng) của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
Trong quá trình Toà án giải quyết vụ kiện, ngày 29.3.2007 các nguyên đơn xin rút yêu cầu công nhận kết quả của việc bán 23.000 cổ phiếu. Chỉ đề nghị Toà án huỷ bỏ nghị quyết số 186/HĐQT ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
Tại phiên toà hôm nay, các nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện nêu trên và cho rằng Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân tiến hành ngày 09.11.2006 không đúng thể thức họp và biểu quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ Công ty. Cụ thể:
- Đại hội không thông qua việc bầu Ban Kiểm phiếu mà Ban Kiểm phiếu do Chủ toạ Đại hội chỉ định.
- Số vốn của các nguyên đơn ghi trong phiếu biểu quyết không đúng với số vốn được ghi trong danh sách cổ đông, như Công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn có số vốn trong Công ty là 1.560.000.000 đồng, nhưng phiếu biểu quyết chỉ ghi 560.000.000 đồng. Bà Bùi Thanh Hà có số vốn trong Công ty là 405.375.048 đồng, nhưng phiếu biểu quyết chỉ ghi 5.375.048 đồng.
- Vào thời điểm này vốn điều lệ của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân là 8.000.000.000 đồng được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng Ban Kiểm phiếu lại tính tỷ lệ biểu quyết trên số vốn cũ trước khi phát hành cổ phiếu là 5.500.000.000 đồng.
- Thẩm quyền phán quyết về việc huỷ bỏ kết quả bán 25.000 cổ phần năm 2004 - 2005 không thuộc thẩm quyền Đại hội cổ đông.
Trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như tại phiên toà hôm nay, bị đơn trình bày:
Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân ngày 21.4.2004 đã thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 5,5 tỷ đồng lên 08 tỷ đồng nhưng không quyết định loại cổ phần và số lượng cổ phần mỗi loại được quyền chào bán. Việc Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty tự ý quyết định việc bán 25.000 cổ phần phổ thông là không tuân thủ đúng quy định tại Điều lệ Công ty cũng như Luật Doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tiến hành Đại hội ngày 09.11.2006 để huỷ bỏ việc phát hành cổ phiếu là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Trình tự, thủ tục tiến hành Đại hội này hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Danh sách Ban Kiểm phiếu do Chủ toạ đề nghị và tổ chức bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả số phiếu biểu quyết tán thành nghị quyết huỷ kết quả bán 25.000 cổ phần đạt tỷ lệ 65%. Do điều lệ hiện hành chưa sửa đổi nên nó vẫn có giá trị pháp lý cao nhất và mọi việc về tổ chức và hoạt động của Công ty vẫn phải tuân theo điều lệ đó. Theo Điều 14.6.2 thì tỷ lệ thông qua chỉ cần 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp nhận. Chính vì vậy, nghị quyết số 186/HĐQT ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân là hoàn toàn hợp pháp.
Xét thấy
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân được thành lập năm 1999 trên cơ sở cổ phần hoá một bộ phận Công ty vận tải hành khách số 14 (doanh nghiệp Nhà nước). Vốn điều lệ của Công ty khi thành lập là 5,5 tỷ đồng.
Ngày 21.4.2004, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty lần thứ 4 đã thông qua nghị quyết số 04/HĐQT tăng vốn điều lệ từ 5,5 tỷ đồng lên 08 tỷ đồng.
Thực hiện nghị quyết nêu trên, cuối năm 2004 đầu năm 2005 Giám đốc Công ty đã quyết định bán 25.000 cổ phần nhưng không thông báo đến tất cả các cổ đông. Ngày 09.11.2006, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để xem xét việc bán 25.000 cổ phần do Giám đốc tự ý quyết định. Tại Đại hội này, các cổ đông đã nhất trí ra nghị quyết số 186/HĐQT ngày 09.11.2006 huỷ việc bán cổ phần trái quy định.
Không đồng ý với nghị quyết 186/HĐQT ngày 09.11.2006, ngày 30.11.2006 các nguyên đơn đã có đơn khởi kiện đề nghị Toà án huỷ bỏ nghị quyết số 186/HĐQT nêu trên. Căn cứ Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005, đơn khởi kiện của các nguyên đơn nằm trong thời hiệu mà pháp luật quyết định, do vậy được Toà chấp nhận xem xét.
Xét yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy:
- Về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông ngày 09.11.2006, do Điều lệ Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân không quy định vì vậy Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2005 để xem xét.
- Theo biên bản Đại hội thì ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị - chủ trì cuộc họp đã giới thiệu 02 Thư ký ghi biên bản Đại hội là ông Nguyễn Văn Khúc và bà Phạm Bích Liên. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 103 Luật Doanh nghiệp thì Chủ toạ cử 01 người làm Thư ký lập biên bản họp Đại hội đồng cổ đông. Việc cử 02 Thư ký ghi biên bản tại cuộc họp ngày 09.11.2006 là không phù hợp. Hơn nữa, tại Điều 14.8 Điều lệ Công ty quy định "… Những người tham gia họp cử một Thư ký ghi biên bản họp…". Do đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị giới thiệu 02 người ghi biên bản cuộc họp không được Đại hội thông qua là không tuân thủ Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp.
- Về bản kiểm phiếu: theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 103 thì Ban Kiểm phiếu do Đại hội bầu theo đề nghị của Chủ toạ. Căn cứ biên bản Đại hội cũng như nghị quyết số 186/HĐQT cho thấy Ban Kiểm phiếu do Chủ toạ đề nghị gồm Kiểm soát viên trưởng, Ban Thư ký và 01 nhân viên phòng Tổ chức là không đúng với quy định. Hơn nữa, theo kết quả kiểm phiếu xác định 07 cổ đông từ bỏ quyền biểu quyết. Tuy nhiên, tại phiên toà hôm nay các nguyên đơn đã xuất trình cho Toà án bản gốc 11 phiếu biểu quyết chưa bỏ vào hòm phiếu. Điều này khẳng định 11 cổ đông không tiến hành biểu quyết tại Đại hội chứ không chỉ có 07 cổ đông như biên bản kiểm phiếu và nghị quyết số 186/HĐQT xác nhận. Các nguyên đơn cho rằng kết quả kiểm phiếu tại Đại hội là thiếu chính xác là hoàn toàn có cơ sở.
- Về trình tự biểu quyết tại cuộc họp phải được tiến hành theo quy định tại khoản 5 Điều 103, đó là "Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến…". Căn cứ theo trình tự trên thì Đại hội đồng cổ đông ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân không phát thẻ biểu quyết cho các cổ đông mà việc bỏ phiếu được thực hiện theo thể thức gạch bỏ chữ tán thành hoặc không tán thành quyết định huỷ bỏ kết quả bán cổ phần năm 2005 trong phiếu biểu quyết. Hội đồng xét xử thấy việc biểu quyết này của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân là không thực hiện đúng cách thức đã được Luật Doanh nghiệp quy định.
Từ những phân tích nên trên có thể thấy trình tự tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ Công ty. Vì vậy, cần huỷ bỏ kết quả Đại hội ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
Do yêu cầu của các nguyên đơn được chấp nhận nên các nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được hoàn lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên.
Quyết định
Căn cứ Điều 103, Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Căn cứ Điều 14.8 Điều lệ Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân tháng 4.2003.
Căn cứ Điều 29 khoản 3; Điều 131; Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự.
Nghị định 70/CP ngày 12.6.1997 của Chính phủ về án phí.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn do ông Nguyễn Nhâm - Giám đốc Công ty đại diện và bà Bùi Thị Thanh Hà, ông Lê Huy Cẩm.
2. Huỷ bỏ nghị quyết số 186/HĐQT ngày 09.11.2006 của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
3. Bác các yêu cầu khác của đương sự.
4. Về án phí:
- Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân phải chịu 500.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
- Hoàn trả Công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn do ông Nguyễn Nhâm - Giám đốc Công ty đại diện và bà Bùi Thị Thanh Hà, ông Lê Huy Cẩm 750.000 đồng (bảy trăm năm mươi nghìn đồng chẵn) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 003519 ngày 15.12.2006 của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
án xử công khai sơ thẩm. Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Công ty TNHH công nghệ và thiết b�� hàn, bà Bùi Thị Thanh Hà do ông Nguyễn Thế Quyền đại diện có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án./.
|