Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay

Chủ đề   RSS   
  • #608720 16/02/2024

    Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay

    Tài nguyên nước là các nguồn nước mà con người sử dụng hoặc có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau. Nước được dùng trong các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, giải trí và môi trường.

    1. Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

    Căn cứ theo Điều 79 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ như sau:

    - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước.

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông, nguồn nước và có trách nhiệm sau đây:

    + Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước;

    + Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước;

    + Xây dựng và công bố bộ chỉ số quốc gia về an ninh nguồn nước và chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước;

    + Tổ chức lập, đề xuất điều chỉnh danh mục lưu vực sông liên quốc gia, danh mục lưu vực sông liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước mặt liên tỉnh, danh mục nguồn nước dưới đất;

    + Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; đào tạo nguồn nhân lực về tài nguyên nước;

    + Tổ chức quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về mưa, lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các hiện tượng bất thường về tài nguyên nước;

    + Quản lý, lưu trữ, công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; tổ chức xây dựng, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

    + Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước; chủ trì các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên nước;

    + Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các tổ chức lưu vực sông khác;

    + Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước.

    - Bộ Công Thương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước.

    - Bộ Xây dựng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước.

    - Bộ Ngoại giao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương liên quan tham gia ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế liên quan đến tài nguyên nước; tham gia thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực tài nguyên nước.

    - Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa, ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nguồn nước xuyên biên giới.

    - Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến nước; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa liên quan đến nước theo quy định của pháp luật.

    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

    2. Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp

    Căn cứ theo Điều 80 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

    + Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước;

    + Tổ chức thực hiện Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước; lập, tổ chức thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh;

    + Xác định các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất;

    + Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền;

    + Cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước; ban hành, điều chỉnh danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh;

    + Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

    + Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức giám sát tài nguyên nước theo phân cấp; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên địa bàn;

    + Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

    + Tổ chức xây dựng, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

    + Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước;

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

    + Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

    + Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

    + Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

    + Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

    + Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo thẩm quyền;

    + Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

    - Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

    + Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

    + Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

    + Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định;

    + Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;

    + Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên;

    Trên đây là quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023

     
    1124 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận