>>>Giao dịch "đứng tên giùm" có phải là giao dịch hợp pháp?
Về quyền sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam, căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không phải là chủ thể sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo đó, người nước ngoài không được phép nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Bởi vậy, thực tiễn xuất hiện tình trạng người nước ngoài đã thuê người Việt đứng tên để mua đất. Đặc biệt, thời gian gần đây dấy lên những nguồn thông tin về tình trạng người Trung Quốc nhờ người đứng tên mua đất tại Việt Nam. Việc làm này không những làm ảnh hưởng đến việc quản lý đúng đắn của nhà nước về đất đai khi gây ra những sai lệch đối với chủ thể sử dụng đất mà nguy hại hơn, nó còn ảnh hưởng đến an ninh và an sinh quốc gia.
Mặt khác, trong vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, theo Luật nhà ở 2014 cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự thì được quyền mua, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Thời hạn sở hữu nhà theo thỏa thuận trong các hợp đồng giao dịch nhưng không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ nhiều lý do (mất thời gian, thủ tục phiền hà,…) mà đâu đó vẫn tồn tại các trường hợp người Việt “đứng tên giùm” mua nhà cho người nước ngoài.
Vậy, hiện nay pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của người đứng tên giùm mua bán nhà đất?
Hành vi người Việt đứng tên giùm để mua bán nhà đất cho người nước ngoài rõ ràng là việc làm gian dối, vi phạm pháp luật. Xong, hiện nay hành lang pháp lý tại Việt Nam lại thiếu vắng quy định về việc xử lý hành vi vi phạm này. Mặc dù, tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 hiện hành đã quy định các tội danh liên quan đến vi phạm sử dụng, quản lý đất đai, như tội "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" (Điều 228) và tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" (Điều 229). Tuy nhiên, chiếu theo các quy định trên thì hành vi đứng tên giùm mua bán nhà đất không thể xử lý trách nhiệm hình sự được bởi nó không rơi vào cấu thành của tội danh nào cả.
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
…
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
…
|
Qua những phân tích trên, có thể thấy rằng hành vi đứng tên giùm mua bán nhà đất là hành vi vi phạm pháp luật và đang là mối nguy hại trong đời sống nhưng lại chưa có cơ chế xử lý phù hợp. Đây được xem là một trong những bất cập, lỗ hổng của hệ thống pháp luật hiện nay.