Một trong những điểm mới của luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là nười lao động "được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội"
Việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động tự giữ được cho là cần thiết để đảm bảo người lao động biết rõ được chủ doanh nghiệp có đóng đúng, đóng đủ bảo hiểm xã hội cho mình hay không, qua đó, người lao động tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Bởi thực tế hiện nay, có không ít doanh nghiệp vẫn trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động nhưng trốn đóng, nợ đóng và người lao động không hề biết điều này.
Rất nhiều người lao động bày tỏ niềm vui mừng khi sắp được trực tiếp cầm sổ bảo hiểm để theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, nhưng cũng không ít người thể hiện sự lo ngại về việc có thể sẽ bị thất lạc sổ trong quá trình giữ.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, dù người lao động tự giữ sổ nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn lưu chứng từ điện tử trên hệ thống mạng quản lý. Do đó, nếu người lao động làm mất, làm hỏng sổ vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại và không ảnh hưởng đến quá trình đóng bảo hiểm xã hội.
Kể từ ngày 01/01/2016 khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 chính thức có hiệu lực cho đến nay, đã hơn bốn năm kể từ ngày quy định này có hiệu lực, tuy nhiên, đến nay vẫn nhiều người lao động chưa được nhìn thấy cuốn sổ bảo hiểm xã hội của mình, dù được các doanh nghiệp cam kết vẫn đang đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.