Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn liên quan đến COVID-19. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết tình trạng miễn dịch cộng đồng của người dân trên địa bàn đối với COVID-19 có xu hướng giảm dần.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn, yêu cầu UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, giai đoạn từ nay đến ngày 30/6.
Theo UBND thành phố, hiện nay dịch bệnh trên cả nước có thể bùng phát trở lại khi đã xuất hiện thêm các biến thể phụ mới của Omicron. Tại thành phố đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5. Đồng thời, tình trạng miễn dịch cộng đồng của người dân trên địa bàn đối với COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần, từ 98,7% vào tháng 9-2022 còn 94,17% hiện nay.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi), đảm bảo các dữ liệu chính xác và được cập nhật kịp thời.
Song song đó, tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ.
Đồng thời, tổ chức đội tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người di chuyển được; đảm bảo tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tại mỗi phường, xã, thị trấn được tiêm mũi nhắc lần 2 đạt tối tiểu 90%.
Ngoài ra, các quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19. Khi thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Khi người sống chung, người cùng gia đình mắc COVID-19, cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.
UBND thành phố cũng yêu cầu địa phương tổ chức truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ để họ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K (khử khuẩn - khẩu trang).
TP. Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục
Trước đó, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/4 ban hành Công văn 1820/SGDĐT-CTTT về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID19, trong đó tập trung triển khai một số nội dung cụ thể như sau:
- Không chủ quan, lơ là, tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi có ca bệnh trong cơ sở giáo dục.
Kiểm tra, rà soát các biện pháp phòng, chống dịch, trang thiết bị phòng, chống dịch tại đơn vị. Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp, đặc biệt là thực hiện 2K và tầm soát các trường hợp nghi ngờ.
- Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế trong công tác rà soát tiêm vắc xin đối với học sinh, phối hợp tổ chức các chiến dịch, hoạt động tăng cường tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục và phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục.
- Thực hiện truyền thông đến học sinh, cha mẹ học sinh biết đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị trên địa bàn. Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 28/4/2023.
Xem chi tiết tại Công văn 1820/SGDĐT-CTTT ban hành ngày 19/4/2023.