UBND TP.HCM vừa có Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
(1) Ghi nhận gần 25.000 đơn thư tố cáo, phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực
Báo cáo nêu rõ, tổng số đơn, thư tố cáo, tố giác; phản ánh, kiến nghị liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã tiếp nhận xử lý là 24.709 đơn. Trong đó, tổng số người có yêu cầu được bảo vệ là 05 người.
Theo đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tố cáo trong thời gian tới, TP.HCM đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ người tố cáo.
Triển khai thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo, chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện hết thẩm quyền dẫn đến tình trạng làm lộ thông tin của người tố cáo, người dân, cán bộ, đảng viên bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; bao che người bị tố cáo; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Mặt khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phân công rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực, phạm vi phụ trách, quản lý của đơn vị mình theo quy định. Các tố cáo về tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định pháp luật; bảo đảm không để lộ, lọt thông tin, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với công tác bảo vệ người tố cáo của cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che cho người bị tố cáo…
Thêm nữa, tại Báo cáo cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với người tố cáo đúng; với cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo, tạo động lực, khuyến khích mọi người tích cực tham gia chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
(2) Quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng hiện nay
Căn cứ Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 có quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng như sau:
- Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
- Người có hành vi tham nhũng quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định.
- Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, hiện nay, việc xử lý người có hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.