Trong tháng 8, một số chính sách nổi bật về lĩnh vực ngân hàng sẽ có hiệu lực như quy định về phân loại nợ, chuyển nhượng tài sản đảm bảo, nguyên tắc mua bán trái phiếu doanh nghiệp,...
(1) Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tuy nhiên, phải đến 01/8/2024 thì Luật này mới chính thức hoàn toàn có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 4 Luật sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản và luật các tổ chức tín dụng 2024, khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 thay vì 01/01/2025.
Theo đó, khoản 3 Điều 200 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bất động sản là tài sản đảm bảo để thu hồi nợ nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Về khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khoản này quy định về điều kiện khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bất động sản là tài sản đảm bảo, bao gồm:
- Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023
Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2024
(2) Thông tư 11/2024/TT-NHNN
Thông tư 11/2024/TT-NHNN được ban hành bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thông tư 11/2024/TT-NHNN bổ sung thêm 02 nguyên tắc đồng thời bãi bỏ 02 nguyên tắc về mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với các hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được ký kết trước ngày Thông tư 11/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng trên chỉ được thực hiện khi nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư 11/2024/TT-NHNN.
Thông tư 11/2024/TT-NHNN sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/08/2024.
(3) Thông tư 14/2024/TT-NHNN
Thông tư 14/2024/TT-NHNN được ban hành bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc phân loại đối với các tài sản có (nợ) phát sinh từ các hoạt động sau của tổ chức tài chính vi mô:
- Cho vay
- Ủy thác cho vay
- Gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật
Đối tượng áp dụng Thông tư 14/2024/TT-NHNN bao gồm: Tổ chức tài chính vi mô và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại nợ của tổ chức tài chính vi mô.
Thông tư 14/2024/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/08/2024.
(4) Thông tư 23/2024/TT-NHNN
Thông tư 23/2024/TT-NHNN được ban hành bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Theo đó, Thông tư 23/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, hoạt động thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài và chế độ báo cáo đối với tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu.
Cùng với đó là bãi bỏ Điều 11 và Phụ lục 02; thay thế Phụ lục 16 mới; bổ sung Phụ lục 17, Phụ lục 18, Phụ lục 19 và Phụ lục số 20 vào Thông tư 10/2016/TT-NHNN.
Thông tư 23/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/08/2024.
(5) Thông tư 13/2024/TT-NHNN
Thông tư 13/2024/TT-NHNN cũng là một Thông tư được ban hành bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
Nội dung nổi bật của Thông tư 13/2024/TT-NHNN bao gồm:
- Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng của Thông tư 32/2015/TT-NHNN
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về hạn chế, giới hạn cho vay của quỹ tín dụng nhân dân
- Thay thế Phụ lục 01, 02 và 03 của Thông tư 32/2015/TT-NHNN bằng Phụ lục 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư 13/2024/TT-NHNN.
Thông tư 13/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.
(6) Thông tư 08/2024/TT-NHNN
Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia hệ thống thanh toán này bằng đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung châu Âu (EUR) và các loại ngoại tệ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quyết định trong từng thời kỳ.
Cùng với đó, Thông tư 08/2024/TT-NHNN còn ban hành kèm theo 36 biểu mẫu trong lĩnh vực Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
Thông tư 08/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
(7) Thông tư 16/2024/TT-NHNN
Thông tư 16/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Nội dung chính của Thông tư 16/2024/TT-NHNN liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện việc xây dựng lộ trình, thực hiện lộ trình và trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong vấn đề này.
Thông tư 16/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
(8) Thông tư 32/2024/TT-NHNN
Theo đó, Thông tư 32/2024/TT-NHNN được ban hành bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, bao gồm các việc:
- Thành lập, khai trương hoạt động, thay đổi tên, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài;
- Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch;
- Chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch và ngược lại;
- Chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Thông tư 32/2024/TT-NHNN còn quy định về việc thông báo thông tin về thành lập, thay đổi địa điểm, giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện ở trong nước và các thông tin liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đối với mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2024/TT-NHNN và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Thông tư 32/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
(9) Thông tư 36/2024/TT/NHNN
Thông tư 36/2024/TT/NHNN quy định về việc phân loại tài sản có của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 36/2024/TT/NHNN bao gồm: Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại nợ của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Nội dung chính của Thông tư 36/2024/TT/NHNN bao gồm các quy định chung, quy định cụ thể và việc tổ chức thực hiện phân loại tài sản có của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Thông tư 36/2024/TT/NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024.
Trên đây là toàn bộ chính sách liên quan đến lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng có hiệu lực trong tháng 8/2024.
Gửi đến bạn đọc cùng tham khảo và cập nhật chính sách mới liên quan đến lĩnh vực này.