Thủy sản nuôi chủ lực thông thường là những loại thủy sản có năng suất, hiểu quả sản xuất cao, thu hút đầu tư; Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động,… như vậy thì theo quy định pháp luật hiện nay thì tôm hùm có phải loại thủy sản nuôi chủ lực ở nước ta không?
1. Tôm hùm có phải loại thủy sản nuôi chủ lực ở nước ta không?
Theo Quyết định 50/2018/QĐ-TTg quy định về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực thì hiện nay Việt Nam có 03 loại thủy sản nuôi chủ lực là Tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798); Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) và Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878).
Như vậy, hiện nay tôm hùm chưa phải là loại thủy sản nuôi chủ lực ở nước ta.
Theo Điều 2 Quyết định này thì tiêu chuẩn loại thủy sản nuôi chủ lực phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
- Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
- Tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh với đối tượng thủy sản của quốc gia khác trên thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm.
Như vậy, nếu như tương lai tôm hùm đáp ứng các tiêu chí này và quy định pháp luật không có sự thay đổi về các tiêu chí thì tôm hùm mới có thể trở thành loại thủy sản nuôi chủ lực.
2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản nuôi chủ lực thì cần phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản 2017 thì cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi;
- Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động;
- Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
- Và đối với trường hợp nuôi trồng thủy sản nuôi chủ lực thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.
3. Hồ sơ, trình tự đăng ký nuôi trồng thủy sản nuôi chủ lực thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP có quy định về hồ sơ, trình tự đăng ký nuôi trồng thủy sản nuôi chủ lực như sau:
Về hồ sơ đăng ký:
- Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
- Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
Về trình tự đăng ký:
- Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh (hiện nay là Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn);
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.