Trả lời:
Chào chị, về trường hợp của chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản riêng vợ, chồng như sau:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy, trong trường hợp bố mẹ chị mất để lại tài sản cho chị thì tài sản mà chị được thừa kế từ bố mẹ chị là tài sản riêng của chị. Chị có toàn quyền sở hữu với tài sản đó và chồng chị không có bất quyền lợi hay nghĩa vụ gì với tài sản chị thừa kế từ bố mẹ chị nếu không được sự đồng ý từ chị.
Trong trường hợp sau khi chị được nhận thừa kế, chị và chồng chị thỏa thuận nhập tài sản thừa kế riêng của chị vào tài sản chung của hai vợ chồng thì lúc này tài sản thừa kế của chị sẽ trở thành tài sản chung của hai vợ chồng và chồng chị sẽ có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản này theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
“Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung
1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”