Thời gian gần đây dư luận đang xôn xao về những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra ánh sáng. Lên google gõ từ khóa "ấu dâm" thì ra gần nửa triệu kết quả tìm kiếm với những dòng "tít" hết sức hấp dẫn và thu hút.
Có những việc đã có những bằng chứng tố cáo rõ ràng, chỉ đợi các cơ quan công quyền thu thập đầy đủ hồ sơ để tiến hành khởi tố. Bên cạnh đó còn có những vụ việc còn khá mơ hồ sau kết quả giám định của cảnh sát và chưa kể kết luận được điều gì.
Như mọi khi, mạng xã hội facebook là công cụ lan tỏa lớn nhất mỗi khi trong thực tế có "vụ gì hot", "việc gì hay". Nhanh chóng như những siêu thám tử trong truyện, các "cảnh sát mạng" đã tìm ra được hình ảnh và thông tin cá nhân của những người ĐƯỢC CHO là thủ phạm.
Và hậu quả là những hình ảnh của những người này được chia sẻ tới mức độ chóng mặt, facebook của vợ con của những người ĐƯỢC CHO là thủ phạm này cũng được các chuyên gia "an ninh mạng" cũng được truy ra và "cư dân mạng" ập vào rao giảng đạo đức kèm theo đó là những lời miệt thị nghe tới mức "rợn gáy", nổi da gà.
Đọc được những dòng này tôi chợt nghĩ, chúng ta đang đấu tranh cho điều gì?
Có phải chúng ta đang đấu tranh cho quyền của những cháu gái bị xâm hại kia? Hay chỉ là để thỏa mãn thú vui chửi rủa, miệt thị người khác. Vợ/con của những người đó thì có tội tình gì mà vào đó miệt thị họ một cách ghê rợn như vậy?
Đấy là còn chưa kể một sự việc hết sức nghiêm trọng là, bức hình ĐƯỢC CHO là thủ phạm kia được "một ai đó" lấy "ở đâu đó", kèm theo những thông tin thất thiệt như người đó là con cháu chủ tịch tỉnh, quen biết cán bộ của Bộ công an. Sau khi những thông tin này được lan truyền thì những cán bộ, cơ quan trên đã phải lên tiếng phủ nhận những thông tin kia là hoàn toàn sai sự thật. Và bức ảnh được lan truyền trên facebook không phải là ảnh của kẻ thủ ác.
Vậy nhân vật trong ảnh phải làm thế nào khi bị lan truyền và bôi nhọ như vậy? Công an đã vào cuộc truy tìm những kẻ đưa tin đồn thất thiệt. Nhưng "tiếng" đã mang rồi, ai sẽ xin lỗi người trong ảnh kia? Chúng ta đang đấu tranh cho công lý bằng sự vô lối, bằng thói quen bầy đàn không có kiểm soát, và hậu quả đã thấy ngay tức thì.
Người ta vẫn lên án, chửi bới các các bộ Tòa án, VKS... xử oan sai vụ ông Thanh Chấn, nhưng ngay sau đó bằng những cú click chuột không suy nghĩ người ta đã và đang đẩy một người vào được cùng của sự kì thị xã hội, có khác gì những bản án oan sai đâu?
Cũng là một vụ "ấu dâm", ở một trường học ở TP HCM. Công an quận đã tiến hành kiểm tra, khám nghiệm cháu bé kia và đã có kết luận màng trinh không bị rách, trong âm đạo không có tinh trùng, tổn thương vùng kín không phải là những vết thương hở.
Và thực tế điều tra qua nhân chứng, qua các camera tại trường học thì công an cũng chưa kết luận được cháu bé có phải bị xâm hại tình dục hay không. Và công an cũng đã loại bỏ trường hợp cháu gái bị xâm hại trong khuôn viên nhà trường.
Nhưng dư luận lại nhanh chóng bác bỏ điều đó, họ cho rằng cháu bé bị xâm hại tại trường. Cơ sở kết luận là từ những dòng chia sẻ facebook, từ những bài báo chưa được xác thật thông tin. Và như thường lệ, họ tìm đến facebook của một thầy giáo trong trường, người mà họ CHO LÀ thủ phạm để miệt thị không thương tiếc.
Xét về mặt pháp luật, kể cả những người ĐƯỢC CHO là thủ phạm kia khi chưa có bản án của tòa thì họ vẫn là những công dân và có quyền được bảo vệ như những người khác. Đằng này, những "kết luận" của những "chuyên gia", "an ninh mạng" đi ngược hoàn toàn so với kết luận của công an, nhưng họ vẫn cho họ đúng và các cơ quan công an là SAI.
Dư luận đấu tranh cho công lý là điều đáng mừng, là tín hiệu của một xã hội văn minh. Nhưng đừng để cảm tính lấn át lý trí, đừng tiếc một chút ít thời gian suy nghĩ để một xã hội văn minh phải gắn vào chữ "bầy đàn". Đừng đấu tranh cho công lý bằng tội ác.