10 Điểm Mới Quan Trọng Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015.
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015) với 510 điều chia làm 9 phần, 36 chương có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
BLTTHS năm 2015 với nhiều sửa đổi, bổ sung tăng thêm 154 điều luật với 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều với một sốvấn đề chính sau đây:
1. Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13)
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
2. Mở rộng diện chủ thể được hưởng quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích.
Ngoài người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền bào chữa, nhờ người bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn bổ sung “người bị tố giác”,” người bị kiến nghị khởi tố”; “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được hưởng quyền bào chữa và nhờ người bào chữa.(Điều 57; 58)
3. Pháp nhân có quyền được bào chữa thông qua người đại diện theo pháp lật hoặc nhờ người bào chữa (Điều 435)
4. Mở rộng diện chủ thể người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi
Theo Bộ luật tố tụng năm 2015 gồm có:
– Luật sư
– Bào chữa viên nhân dân
– Trợ giúp viên pháp lý
– Người đại diện của người bị buộc tội (Đây là diện chủ thể mới)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong đó đáng chú ý là có quyền có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (Điều 83 BLTTHS).
5. Bãi bỏ các rào cản mang tính thủ tục hành chính, chuyển sang chế độ đăng ký thủ tục bào chữa.
Bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng việc đăng ký thủ tục bào chữa. Trong thời hạn 24h kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ hợp lệ (bản sao thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề…) cơ quan tiến hành tố tụng phải trả lời…(Điều 78)
Đặc biệt, giấy chứng nhận bào chữa sẽ có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. (Khoản 6 Điều 78 BLTTHS 2015).
6. Quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
7. Mở rộng các quyền của người bào chữa trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập chứng cứ (Điều 73; Điều 88;)
Người bào chữa có quyền đề nghị tiền hành một số hoạt động tố tụng theo quy định của BL TTHS, đề nghị triệu tập điều tra viên và người tham gia tố tụng khác. Đây là quy định mới nhằm nâng cao địa vị pháp lý của người bào chữa cũng như làm rõ trách nhiệm của điều tra viên trong quá trình tiến hành tố tụng (Điều 296).
8. Điều chỉnh khái niệm chứng cứ, nguồn, thu thập chứng cứ; xử lý chặt chẽ hơn về vật chứng.
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.
Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
9. Ngoài ra BLTTHS năm 2015 cũng quy định về rút ngắn thời hạn tạm giam, việc gia hạn tạm giam cùng nhiều bổ sung về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự…
10. Bình đẳng về vị trí giữa người bào chữa tại phòng xử án với người thực hành quyền công tố (Điều 257)
Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi trái quy định pháp luật.
1. Mục đích của các biện pháp ngăn chặn.
Việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm các mục đích sau:
+ Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội;
+ Bảo đảm thi hành án.
2. Đối tượng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có quyền áp dụng một trong số các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
3. Các biện pháp ngăn chặn.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn bao gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Các nội dung cụ thể về các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật như sau:
- Biện pháp bắt: Biện pháp bắt gồm các trường hợp: bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Việc bắt người phải tiến hành đúng thẩm quyền theo luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Phải có biên bản về việc bắt người và phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
- Biện pháp tạm giữ: Biện pháp tạm giữ được áp dụng trong trường hợp: người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tổng thời hạn tạm giữ (bao gồm thời hạn tạm giữ thông thường và thời hạn gia hạn tạm giữ) là 9 ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì người bị tạm giữ phải được trả tự do ngay.
- Biện pháp tạm giam: Các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm: bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. Lưu ý rằng: Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
- Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú: Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
- Biện pháp bảo lĩnh: Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Điều kiện của chủ thể nhận bảo lĩnh quy định tại khoản 4 Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự. Bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nếu cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.
- Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm: Biện pháp này là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.