Vừa qua, công an tỉnh Hà Tỉnh đã đột kích một sòng bạc trong đó thu giữ một số thiết bị công nghệ cao dùng cho mục đích đánh bạc. Đáng chú ý chủ sòng bạc dùng các thiết bị này không những bị khởi tố về tội đánh bạc mà còn thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sử dụng thiết bị công nghệ lừa đảo trong các ván bài
Cụ thể, các đối tượng này cấu kết với nhau sử dụng bộ thiết bị soi kết quả quân vị gồm bài tú lơ khơ, vòng cảm ứng gắn chíp và thiết bị báo rung.
Sau đó, chôn vòng cảm ứng của thiết bị soi quân vị xuống dưới nền nhà, đặt gạch trải chiếu lên trên. Nhóm này phân công một người cầm bát xóc đĩa, người khác nữa làm cái và giữ thiết bị báo rung để đọc kết quả thắng thua.
Ngoài ra, còn cho thêm người tham gia chơi, vờ đánh bạc nhằm tránh bị nghi ngờ. Đồng thời còn cho người chơi vay tiền để cắt lãi và thu tiền "hồ".
Theo đó, nhờ thiết bị cảm ứng chôn dưới nền nhà, nhà cái sẽ biết con bạc đặt chẵn hay lẻ. Thỉnh thoảng người chơi của chủ sòng giả vờ thua vài ván, sau đó thu lời vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tại ngày bị bắt thu giữ hơn 100 triệu đồng tiền đánh bạc và hàng chục triệu tiền thu lợi bất chính khác.
Mức phạt tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc
(1) Mức phạt đối với người tham gia đánh bạc
Không những tổ chức đánh bạc mà những người này còn cho người của mình vào chơi đánh bạc nhằm tránh bị những người chơi khác nghi ngờ. Do đó, căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) quy định mức phạt như sau:
- Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015.
- Hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên.
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
(2) Mức phạt đối với người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
- Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm:
+ Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên.
+ Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên.
+ Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên.
+ Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Tái phạm nguy hiểm.
Mức phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức.
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.