Ngoài tiền lương, người lao động khi tìm kiếm việc làm còn quan tâm đến các ngày phép. Và vừa qua, DanLuat đã có bài viết tính trả phép năm chưa nghỉ, nên nay mình chỉ đề cập đến vần đề gộp phép.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Như vậy, trường hợp người lao động có nhu cầu nghỉ gộp thì thỏa thuận trước với người sử dụng lao động và tuân thủ theo nguyên tắc được gộp phép năm sau khi đã đủ thời gian làm việc tương ứng với số ngày phép năm được nghỉ. Và việc nghỉ gộp có thể đặt ra 02 vấn đề như sau:
-Người lao động có thể gộp ngày phép của năm hiện tại và 2 năm tiếp theo để nghỉ 1 lần vào năm cuối cùng, với điều kiện đã thỏa thuận trước với người sử dụng lao động về thời điểm nghỉ phép sau khi đã có đủ thời gian làm việc 03 năm và chưa nghỉ hằng năm.
Ví dụ: Để được nghỉ phép gộp vào năm 2018, bạn phải có thỏa thuận với người sử dụng lao động từ năm 2015 (tính đến năm 2018 là làm việc đủ 3 năm). Trong khoảng thời gian đó, bạn không được hưởng chế độ nghỉ phép.
-Người lao động muốn nghỉ gộp phép của năm hiện tại và 2 năm tiếp theo và muốn nghỉ ngay trong năm hiện tại thì về mặt nguyên tắc sẽ không được. Vì theo quy định của nghỉ hằng năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì mới được nghỉ phép năm. Do đó, người lao động phải tuân thủ nguyên tắc làm việc đủ 36 tháng thì mới được tính chế độ nghỉ gộp 03 năm 1 lần.
Tuy nhiên, do tinh thần của Luật lao động là tôn trọng thỏa thuận của hai bên nếu người sử dụng đồng ý thì người lao động vẫn được phép nghỉ.