Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được ban hành với những thay đổi đáng kể, trong đó tiêu chuẩn trở thành Giám đốc chi nhánh ngân hàng là một vấn đề được nhiều người quan tâm
(1) Tiêu chuẩn trở thành Giám đốc ngân hàng mới nhất theo Luật các tổ chức tín dụng 2024
Giám đốc ngân hàng - "thuyền trưởng" dẫn dắt con tàu tổ chức tín dụng vượt qua muôn trùng sóng gió của thị trường tài chính, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Do đó, để được bổ nhiệm và nắm giữ vai trò làm Giám đốc ngân hàng, cá nhân phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
- Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng 2024
- Có đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
- Có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán
- Có một trong các điều kiện sau đây:
+ Có ít nhất 05 năm là người điều hành tổ chức tín dụng;
+ Có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;
+ Có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán
- Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm
Như vậy, cá nhân phải hội tụ đủ các yếu tố về kinh nghiệm, trình độ, đạo đức theo quy định của pháp luật thì mới đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm thành Giám đốc ngân hàng.
Tuy nhiên, trong thực tế người đảm nhiệm vai trò Giám đốc sẽ phải đáp ứng thêm nhiều tiêu chí khác như phải là người có tầm nhìn, quán xuyến được các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của ngân hàng.
Việc có nhiều yêu cầu như vậy cũng không quá khó hiểu, vì người đảm nhiệm vị trí Giám đốc phải là người giải quyết được hầu hết các vấn đề trong Ngân hàng.
Để trở thành một Giám đốc ngân hàng xuất sắc, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố then chốt.
(2) Các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ Giám đốc ngân hàng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ trường hợp đương nhiên mất tư cách quy định tại Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Miễn nhiệm khi có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng
- Bãi nhiệm khi không tham gia hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng
- Bãi nhiệm khi không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng 2024
- Bãi nhiệm khi thành viên độc lập Hội đồng quản trị không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 41 và khoản 3 Điều 43 Luật Các tổ chức tín dụng 2024
- Trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm khác theo Điều lệ của tổ chức tín dụng
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông qua quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản kèm tài liệu liên quan báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Lưu ý, sau khi bãi nhiệm, miễn nhiệm, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.