Tiêu chí của hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá từ 01/07/2024

Chủ đề   RSS   
  • #608778 21/02/2024

    Tiêu chí của hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá từ 01/07/2024

    Hàng hóa phải đáp ứng tiêu chí nào thì mới được xếp vào danh mục được bình ổn giá? Nguyên tắc nào được áp dụng khi tiến hành bình ổn giá hàng hóa.

    1.Tiêu chí của hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá

    Căn cứ Điều 17 Luật Giá 2023 quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

    - Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;

    - Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

    Theo đó để hàng hóa, dịch vụ được xếp vào danh mục được bình ổn giá thì phải đáp ứng đồng thời cả 02 tiêu chí là thiết yếu và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

    2.Nguyên tắc và các trường hợp tiến hành bình ổn giá

    Căn cứ Điều 18 Luật Giá 2023 quy định nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá như sau:

    - Công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng;

    - Phù hợp với điều ước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    - Phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát;

    - Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.

    Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá trong các trường hợp sau đây:

    - Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân;

    - Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường.

    Theo đó việc thực hiện bình ổn giá sẽ thực hiện dựa trên các nguyên tắc như trên.

    3.Các biện pháp để tiến hành bình ổn giá

    Căn cứ Điều 19 Luật Giá 2023 các biện pháp bình ổn giá bao gồm:

    - Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

    - Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

    - Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương này;

    - Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    - Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.

    Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.

    Theo đó sẽ có 05 biện pháp để tiến hành bình ổn giá. Ngoài ra, thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định biện pháp bình ổn giá xác định trên cơ sở xác định nguyên nhân của biến động giá; căn cứ tình hình thực hiện, diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong thực tế có thể kết thúc bình ổn giá trước thời hạn hoặc gia hạn thời hạn áp dụng.

     
    50 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận