Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người làm việc xuyên tết. Vậy tiền làm thêm trong thời gian nghỉ tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hay không?
Ảnh minh họa
Công thức tính tiền lương làm thêm giờ ngày tết (Điều 97 Bộ luật Lao động 2012)
Tiền lương làm thêm giờ
|
=
|
Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất bằng 300%
|
x
|
Số giờ làm thêm
|
Trong đó: Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định, đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Như vậy, nếu đi làm ngày tết sẽ được hưởng tới 400% tiền lương.
Theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
...
Cụ thể như sau:
Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ: A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường là 40.000 đồng/giờ. Trường hợp A làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, A được trả: 40.000 x 400% = 160.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là: 160.000 – 40.000 = 120.000 đồng/giờ.
Như vậy, ngoài phần thu nhập được miễn thuế, nếu phần thu nhập còn lại đủ điều kiện đóng thuế TNCN thì vẫn phải đóng thuế TNCN đối với phần thu nhập có được từ việc làm xuyên tết.
(Bài viết mang tính tham khảo).
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!