Tình huống phát sinh là doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn. Vậy việc kê khai sẽ kê khai hồ sơ khai thuế riêng hay kê khai chung trong tờ khai quyết toán thuế TNDN?
Nghĩa vụ thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng vốn
Liên quan vấn đề này, tại khoản 1 Điều 14 Văn bản hợp nhất 66/VBHN-BTC năm 2019 do Bộ Tài chính ban hành có quy định về phạm vi áp dụng quy định liên quan thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn như sau:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp). Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.
- Trường hợp doanh nghiệp bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản và kê khai theo tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (mẫu số 08) ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 66/VBHN-BTC năm 2019.
- Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.
Theo đó, khi doanh nghiệp có sở hữu cổ phần ở công ty khác mà bán đi số cổ phần này thì sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN. Căn cứ tính thuế trong một số trường hợp đặc thù tại Khoản 2 Điều 14 Văn bản hợp nhất 66/VBHN-BTC năm 2019 như sau:
- Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động chuyển nhượng vốn thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.
Căn cứ theo các hướng dẫn trên, trong trường hợp thông thường thì thu nhập từ chuyển nhượng vốn sẽ được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán vào cuối năm. Còn khi tổ chức nước ngoài sở hữu cổ phần (không phải chứng khoán) chuyển nhượng thì sẽ phải kê khai riêng theo từng lần phát sinh.
Thuế suất và nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
- Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.
- Việc phân bổ số thuế phải nộp quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các công trình, hạng mục công trình hay cơ sở xây dựng hạch toán phụ thuộc.
Đơn vị căn cứ theo quy định trên để xác định nơi nộp thuế TNDN của đơn vị mình.