Thuật ngữ Đầu tư được sử dụng khá rộng rãi từ trong các văn bản pháp luật cho đến sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Để năm rõ những quy định này thì cũng không dễ cần nguyên cứu chuyên sâu nhiều văn bản khác nhau.
1. Đầu tư theo quy định của pháp Luật Việt Nam hiện hành
Theo Luật Đầu tư 2014, “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” . Cũng theo đó,“Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định ”.
Như vậy, theo Luật đầu tư Việt Nam thì hoạt động đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện 4 nhóm hoạt động kinh doanh bao gồm: thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
2. Thuật ngữ đầu tư theo những văn bản mà Việt Nam tham gia kí kết
Còn Hiệp định về đầu tư toàn diện trong ASEAN (ACIA) lại nhìn nhận "đầu tư" nghĩa là mọi loại tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát bởi một nhà đầu tư, bao gồm nhưng không giới hạn như sau:
i. Động sản và bất động sản và tài sản khác như quyền thế chấp, cho vay hoặc cầm cố;
ii. Cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá và bất kỳ hình thức tham gia khác vào một pháp nhân và quyền hoặc lợi ích phát sinh từ đó;
iii. Quyền sở hữu trí tuệ mà được cho tặng theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi nước thành viên;
iv. Tuyên bố về tiền hoặc bất kỳ thực hiện hợp đồng liên quan đến việc kinh doanh và có giá trị tài chính;
v. Các quyền theo hợp đồng, bao gồm trọn gói, xây dựng, quản lý, sản xuất hoặc hợp đồng chia sẻ lợi nhuận.
Theo Hiệp định TPP, hoạt động hay dự án đầu tư là toàn bộ tài sản do một nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp sở hữu và quản lý mang đặc điểm của một khoản đầu tư, bao gồm những đặc điểm theo đúng cam kết về vốn hoặc nguồn vốn khác, đặc điểm về mức doanh thu hay lợi nhuận kỳ vọng hoặc khả năng chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng liệt kê ra các hình thức đầu tư, đó là: doanh nghiệp; cổ phần, cổ phiếu và các dạng góp vốn tham gia vào doanh nghiệp; trái phiếu, tín phiếu, các công cụ nợ khác và các khoản vay; các hợp đồng tương lai, quyền chọn và các hợp đồng phái sinh khác; đầu tư theo hình thức trọn gói, xây dựng, quản lý, sản xuất, nhượng quyền, chia sẻ doanh thu và các hợp đồng khác; quyền sở hữu trí tuệ; giấy chứng nhận, ủy quyền, giấy phép và các quyền tương tự theo quy định của luật pháp của Bên tham gia Hiệp định; tài sản hữu hình hoặc vô hình, động sản hoặc bất động sản và quyền tài sản liên quan bao gồm cho thuê, thế chấp, cầm cố và bảo lãnh. Tuy nhiên, khoản đầu tư không bao gồm các quyết định hay phán quyết tư pháp hay hành chính.
So với quy định của các Hiệp định về đầu tư mà Việt Nam tham gia ký kết, cụ thể là Hiệp định TPP và ACIA thì giải thích về Đầu tư trong Luật Đầu tư của Việt Nam hiện hành còn rất là hạn hẹp, chỉ bao gồm 4 nhóm hoạt động được nêu ở trên trong khi đó TTP và ACIA lại nhìn nhận đầu tư bao gồm hầu hết các lĩnh vực thậm chí cả trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, bất động sản, quyền thế chấp, tín chấp,…mà pháp luật Việt Nam chỉ điều chỉnh trong các văn bản pháp luật chuyên nghành hay Luật
Thương mại, Luật Dân sự…. Mặc dù cả TTP và ACIA cũng như Luật Đầu tư Việt Nam đều dùng phương pháp liệt kê để mô tả những hoạt động được xem là đầu tư nhưng trong ACIA và TTP họ xem hoạt động đầu tư không chỉ những hoạt động được liệt kê mà bao gồm tất cả những hoạt động mang tính chất đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện với kỳ vọng thu được lợi nhuận.