Theo quy định pháp luật hiện hành, ly hôn được thực hiện dưới hai hình thức là:
(1) Ly hôn theo yêu cầu của một bên và;
(2) Thuận tình ly hôn.
Một thủ tục quan trọng khi tiến hành ly hôn mà thẩm phán cần phải thực hiện là hòa giải, đây là thủ tục khuyến khích trong vụ việc ly hôn nhằm giúp 02 bên hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm. Bên cạnh đó, thủ tục hòa giả đồng thời cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên so với hình thức giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa án.
Vậy, trong trường hợp thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khi giải quyết ly hôn sẽ có 02 hình thức hòa giải:
+ Thứ nhất, thủ tục hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn);
+ Thứ hai, hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý). Hai thủ tục này có những khác biệt nhất định như sau:
>>>Hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn)
Điều 52 quy định về việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Như vậy, với quy định trên, thì việc hòa giải ở cơ sở khi thuận tình ly hôn là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng.
Hòa giải ở cơ sở có thể được tiến hành trong phạm vi từ nội bộ gia đình đến UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức như: Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân,..; và ngay cả cơ quan làm việc của cả vợ, chồng. Bên cạnh đó, hòa giải viên thường là những người quen biết, thậm chí có thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vợ, chồng nên có thể hiểu rõ về mỗi người cũng như quan hệ hôn nhân của họ. Từ đó, có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thiết thực nhất cho những người trong cuộc.
>>>Hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý)
Khi giải quyết thủ tục thuận tình ly hôn, hòa giải là thủ tục bắt buộc tại tòa án. Điều này được quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Như vậy dù là ly hôn đơn phương hay thuận tình ly hôn thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải, nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ vợ chồng. Việc hòa giải này có ý nghĩa rất quan trọng, nó thể hiện tính trách nhiệm cao của những người có thẩm quyền xét xử, luôn đề cao việc tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội chia sẻ, trình bày, viết lời khai trước những người có quyền ra quyết định việc ly hôn của hai người. Thủ tục bắt buộc này phải được tiến hành kể cả khi có yếu tố cho rằng không hề khả quan và khó có kết quả.
Hòa giải trong vụ án ly hôn sẽ được Thẩm phán thực hiện như sau:
+ Trước khi thực hiện hòa giải: trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của các của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Việc tham khảo ý kiến này sẽ giúp thẩm phán thụ lý vụ án hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tình trạng cuộc sống của vợ chồng để có hướng hòa giải phù hợp
+ Trong quá trình hòa giải tại Tòa án: Thẩm phán sẽ hòa giải theo hướng đoàn tụ tức là phân tích, giải thích cho vợ chồng hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, nghĩa vụ với con… để từ đó hàn gắn, gắn kết vợ chồng. Nếu sau khi hòa giải vợ chồng đoàn tụ thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ngược lại đối với trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn, có tranh chấp về tài sản về quyền nuôi con, Thẩm phán thụ lý vụ án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện tiếp thủ tục mở phiên tòa xét xử.