Chào bạn,
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, vì ông A và bà B không để lại di chúc nên di sản sẽ được chia theo pháp luật, những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Tại Điều 652 BLDS quy định về thừa kế thế vị thì:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Như vậy, người cháu sẽ được hưởng thừa kế thế vị của ông bà nếu bố mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà như đã quy định ở trên…
Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn vì hai người con chết sau ông A và bà B, thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông A và bà B chết, lúc đó các con của ông A bà B vẫn còn sống nên các cháu sẽ không được thừa kế thế vị nữa.
Thứ hai, trường hợp người con trai và con gái của ông A bà B mất sau ông bà thì tại thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất của ông A bà B bao gồm: tất cả những người con của ông bà. Tuy nhiên, sau khi ông A và bà B mất thì một thời gian sau có 2 người con cũng mất. Như vậy, tại thời điểm mở thừa kế thì hai người con vẫn còn sống và có quyền hưởng di sản thừa kế do ông bà AB để lại. Nhưng khi hai người con đó còn sống, các thừa kế vẫn chưa tiến hành khai nhận di sản thừa kế của ông A và bà B và nay hai người con của ông bà đã chết thì phần di sản mà hai người con đó được hưởng sẽ được chia đều cho các thừa kế của họ. Sau khi chia xong di sản do ông bà để lại thì các thừa kế của hai người con có thể được để lại cho con họ bằng cách xác định theo di chúc (nếu họ chết để lại di chúc) hoặc những người thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật dân sự như nêu trên.
Như vậy, vì hai người con của ông A và bà B đã chết nên các con của họ, tức là cháu nội, cháu ngoại của ông A và bà B được ký tên vào văn bản khai nhận, phân chia tài sản. Đồng thời phải có chữ ký của vợ người con trai và chồng của người con gái ký tên chung khi khai nhận và phân chia.
Trên đây là ý kiến tư vấn của tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do bạn cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để bạn tham khảo thêm.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn.
Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ theo thông tin đính kèm bên dưới.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Liên.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi clevietkimlaw2 ngày 15/02/2017 04:17:26 CH
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.