Chào bạn, với thắc mắc của bạn Luật sư Minh Quân xin được tư vấn như sau:
Do ông nội của bạn không để lại di chúc nên di sản ông bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (gồm vợ và các các con, phần di sản mỗi người được hưởng là như nhau) theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.
Việc chia di sản này không phụ thuộc vào việc trước đó họ đã nhận được tài sản nào khác từ ông bạn hay chưa.
Trường hợp cô út của bạn bị câm điếc bẩm sinh thì vẫn được chia di sản bình thường.
Về thủ tục chia di sản:
Bước 1: Gia đình bạn ra các tổ chức hành nghề công chứng (Văn phòng công chứng, phòng công chứng) để tiến hành việc niêm yết thông báo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hồ sơ chuẩn bị gồm:
- Sổ đỏ
- Giấy chứng tử của ông bạn;
- CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh của các con đẻ, con nuôi (thuộc hàng thừa kế thứ nhất)
- CMND, hộ khẩu của bà nội + giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ xác nhận quan hệ hôn nhân của ông bà.
Sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản và nơi cư trú cuối cùng của ông nội bạn, nếu không có khiếu nại, tranh chấp gì về người thừa kế, di sản thừa kế...., chuyển sang bước 2
Bước 2: Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và từ chối nhận di sản
Tại bước này, những người thuộc hàng thừa kế của ông nội bạn lựa chọn 1 trong 2 hình thức dưới đây:
- Chia đều di sản cho tất cả mọi người; hoặc
- Chuyển toàn bộ di sản sang bà nội và chú út, những người còn lại lập văn bản từ chối nhận di sản
Bước 3. Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai để tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi liên quan đến các vấn đề bạn đang quan tâm.
Trân trọng!