Thủ tục xin giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp

Chủ đề   RSS   
  • #617276 09/10/2024

    Thủ tục xin giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp

    Hồ sơ xin giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV bao gồm những gì? Quy trình, thủ tục được thực hiện ra sao?

    1. Hồ sơ xin giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV bao gồm những gì?

    Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Thông tư 21/2020/TT-BCT thì hoạt động tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV là hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực. Do đó, hồ sơ, thủ tục thực hiện cấp giấy phép hoạt động đối với tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35kV chính là thủ tục thực hiện đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực.

    Tại Điều 6 Thông tư 21/2020/TT-BCT, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 10/2023/TT-BCT có quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực như sau:

    - Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT.

    - Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

    - Danh sách trích ngang chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chức danh giám sát trưởng và các chuyên gia tư vấn khác theo Mẫu 3a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT; bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (đối với các ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật xây dựng), tài liệu chứng minh thời gian làm việc trong lĩnh vực tư vấn (Bản khai lý lịch công tác có xác nhận của người sử dụng lao động hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương), hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các chuyên gia tư vấn.

    - Tài liệu chứng minh kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn (Quyết định phân công nhiệm vụ hoặc giấy xác nhận của chủ đầu tư công trình, dự án đã thực hiện hoặc các tài liệu có giá trị tương đương).

    2. Thủ tục thực hiện cấp giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV

    Tại Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT có quy định về trình tự cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:

    - Chậm nhất trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại, tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.

    - Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực 01 bộ hồ sơ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

    - Hình thức nộp hồ sơ được quy định như sau:

    Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với giấy phép hoặt động tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương.

    Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện gửi trực tiếp, qua đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có).

    - Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực trực tuyến được thực hiện như sau:

    + Hồ sơ trực tuyến thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cụ thể như sau:

    ++ Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thực hiện đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương sử dụng tài khoản đã đăng ký để khai báo và gửi hồ sơ trực tuyến;

    ++ Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;

    ++ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực;

    ++ Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 10 Thông tư 21/2020/TT-BCT, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực.

    + Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền theo hình thức trực tuyến (nếu có) phù hợp với quy định tại Thông tư 21/2020/TT-BCT.

    - Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không qua trực tuyến được thực hiện như sau:

    + Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ. Trong văn bản thông báo, phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ;

    + Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan và trả lời bằng văn bản. Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;

    + Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp quy định bên dưới;

    + Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực.

    - Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị được cấp giấy phép, 02 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực.

    - Đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, đơn vị điện lực phải có văn bản đề nghị theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT, trong đó nêu rõ lý do.

    Như vậy, thủ tục cấp giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35kV được thực hiện như trên.

     

     
    95 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận