Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”

Chủ đề   RSS   
  • #605138 30/08/2023

    Thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”

    Hiện nay cá nhân nào được xem xét xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Trình tự thủ tục xét tặng cũng như cơ quan nào có thẩm quyền xét tặng danh hiệu này?
     
    Điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
     
    Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau:
     
    - Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
     
    - Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.
     
    - Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể:
     
    + Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợpnghề đặc thù hoặc đã đào tạo 01 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”;
     
    + Sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
     
    + Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
     
    Danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau:
     
    - Các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2014/NĐ-CP.
     
    - Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, cụ thể:
     
    + Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù;
     
    + Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao.
     
    - Đã có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau:
     
    + Được giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức;
     
    + Được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử hoặc các sự kiện lớn của đất nước;
     
    + Được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật hoặc dạy nghề;
     
    + Được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử, văn hóa được chính quyền địa phương nơi có di tích lịch sử, văn hóa xác nhận.
     
    - Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.
     
    Trình tự thực hiện xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
     
    Cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân khác lập hồ sơ và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đến Sở Công Thương nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú.
     
    Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” có trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ theo quy định và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu trong hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân lập hồ sơ hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn.
     
    Hội đồng cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú hoặc hội nghề nghiệp nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang hoạt động để đưa vào hồ sơ đề nghị xét tặng.
     
    Hội đồng cấp tỉnh thông báo danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải danh sách, bản khai thành tích của các cá nhân đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ.
     
    Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín.
     
    Thông báo công khai kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng cấp tỉnh đến Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ.
     
    Hội đồng cấp tỉnh thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến cá nhân đã gửi hồ sơ đề nghị.
     
    Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ tiếp nhận, kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng cấp tỉnh gửi; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu có trong hồ sơ cần hướng dẫn để Hội đồng cấp tỉnh hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn.
     
    Đăng tải danh sách cá nhân được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ tổ chức thẩm định hồ sơ.
     
    Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín.
     
    Đăng tải kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đến Hội đồng cấp Nhà nước.
     
    Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn tới Hội đồng cấp tỉnh đã gửi hồ sơ.
     
    Hội đồng cấp Nhà nước tiếp nhận, kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ gửi; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu có trong hồ sơ cần hướng dẫn để Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn.
     
    Đăng tải danh sách cá nhân được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và xét chọn.
     
    Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín.
     
    Đăng tải kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc.
     
    Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng cấp Nhà nước đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ.
     
    Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn tới Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ.
     
    Đối tượng thực hiện thủ tục xét tặng danh hiệu:
     
    - Công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm việc trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, hiểu biết sâu sắc nghề, truyền dạy và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ.
     
    - Tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
     
    Cơ quan thực hiện thủ tục xét tặng danh hiệu
     
    - Hội đồng cấp tỉnh;
     
    - Sở Công Thương - Cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh.
     
     
    275 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận