Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định: Thủ tục đăng ký kết hôn
"1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc."
Đầu tiên, đăng ký kết hôn là hình thức nhà nước kiểm soát việc kết hôn của công dân. Chỉ những trường hợp kết hôn theo quy định của pháp luật mới được nhà nước công nhận, bảo vệ. Thông qua việc đăng kí kết hôn, nhà nước có chính sách định hướng, khuyến khích, tác động để việc kết hôn diễn ra đúng điều kiện và trình tự kết hôn do pháp luật quy định..
Thứ hai, đăng ký kết hôn là hình thức bảo vệ quyền lợi của vợ chồng. Thông qua thủ tục chặt chẽ, khoa học, nhà nước chứng nhận tính hợp pháp của hôn nhân và xác định trách nhiệm của họ đối với nhau. Trên nền các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo luật định, các bên có trách nhiệm tôn trọng các quyền của nhau và thực hiện các nghĩa vụ để cùng nhau xây dựng gia đình.
Cuối cùng, thông qua thủ tục kết hôn, nhà nước tôn vinh việc tuân thủ pháp luật của công dân và vợ chồng xác định nghĩa vụ với nhau. Khi kết hôn theo thủ tục do pháp luật quy định, vợ chồng nhận thức trách nhiệm của mình đối với nhau và đối với xã hội. Sau khi kết hôn, tồn tại song song với quan hệ vợ chồng là các nghĩa vụ và quyền về nhân thân, tài sản mà vợ chồng được hưởng và phải thực hiện. Mọi hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quyền của vợ chồng đều bị xử lý tương ứng với mức độ, tính chất của sự vi phạm.
Cập nhật bởi Dodangquangnhch ngày 30/07/2020 09:55:27 CH