Hiện nay, không có quy định về thủ tục thanh lý tài sản cố định (chỉ có quy định về vấn đề quản lý TSCĐ tại Thông tư 45/2013/TT-BTC). Việc thực hiện thanh lý như thế nào sẽ thực hiện theo quy định nội bộ của đơn vị. Thông thường việc thanh lý tài sản cố định ở các đơn vị sẽ gồm các bước sau:
Bước 1- Đề nghị thanh lý tài sản: Căn cứ kết quả kiểm kê tài sản, quá trình theo dõi sử dụng, bộ phận quản lý tài sản sẽ làm đề nghị thanh lý tài sản gửi người có thẩm quyền (giám đốc công ty, giám đốc chi nhánh).
Bước 2- Quyết định thanh lý tài sản: Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định thanh lý tài sản cố định.
Bước 3- Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.
Thành phần Hội đồng thanh lý tài sản của đơn vị thường sẽ bao gồm (nhưng không bắt buộc):
+ Người đứng đầu đơn vị (giám đốc): Chủ tịch Hội đồng;
+ Kế toán trưởng, kế toán tài sản;
+ Trưởng (hoặc phó) bộ phận phụ trách quản lý tài sản;
+ Nhân viên có hiểu biết về đặc điểm, tính năng kỹ thuật của tài sản thanh lý.
Bước 4- Tiến hành định giá tài sản: Hội đồng thanh lý tài sản tự đánh giá (theo hồ sơ trích khấu hao) hoặc thuê đơn vị định giá tài sản. Kết quả định giá phải được lập thành văn bản.
Bước 5- Ra quyết định lựa chọn hình thức xử lý tài sản: những hình thức xử lý có thể là Bán đấu giá tài sản hoặc chỉ định người mua hoặc tự tìm kiếm người mua.
Bước 6- Ký hợp đồng mua bán tài sản, xuất hóa đơn và làm các thủ tục đăng ký khác nếu có (vd: khi bán nhà xưởng thì phải làm thủ tục chuyển GCN QSDĐ, khi bán xe ô tô thì cần làm thủ tục sang tên xe...)
Bước 7- Tổng hợp, xử lý kết quả thanh lý tài sản: Hồ sơ thanh lý tài sản bao gồm Biên bản thanh lý tài sản cố định, biên bản định giá tài sản, tập hợp các văn bản liên quan đến kết quả xử lý tài sản (hợp đồng, hóa đơn bán hàng ), thực hiện các bút toán kế toán có liên quan (ghi giảm giá trị tài sản, ghi tăng tài khoản tiền mặt, tiền ngân hàng ...)